Sự nguy hiểm của căn bệnh cứ 10 trẻ sinh ra thì có hơn 8 bé mắc

11:15 | 20/08/2019;
Vàng da sơ sinh là bệnh gặp ở khoảng 85% trẻ sinh ra, riêng trẻ sinh non hầu như tất cả đều mắc bệnh này. Trong số những trẻ mắc bệnh, có 20% cần phải điều trị chiếu đèn và can thiệp y tế khác, nếu không dễ dẫn đến tử vong.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), hầu hết trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý, thường hết sau 1 tuần xuất hiện, trẻ sinh non thì hết sau 2 tuần. Tuy nhiên, có khoảng 20% trẻ trong số này bị vàng da bệnh lý. Những trẻ này cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu nhận biết vàng da sơ sinh là với vàng da sinh lý, da chỉ vàng ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

 

benh-vang-da-o-tre-so-sinh.jpg
Trẻ bị vàng da bệnh lý thì vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng. Ảnh minh họa

 

Còn vàng da bệnh lý thì vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: Trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật...

Ở Việt Nam mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ sinh ra. Ước tính năm 2016, cứ 45 trẻ em ở nước ta thì có 1 bé tử vong trước khi 5 tuổi. Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Trong đó tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi, chiếm đến 75%. Trong số những trẻ tử vong do bệnh lý, có nhiều bệnh có thể phát hiện và dự phòng, điều trị được thông qua sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán trước sinh.

TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, trong số những ca tử vong sơ sinh, có không ít trẻ mắc bệnh lý vàng da sơ sinh. “Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời, dễ dẫn đến vàng da nhân não, có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấm vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời”, TS Nguyễn Viết Tiến cho biết.

 

anh-vang-da.jpg
Điều trị vàng da sơ sinh cho trẻ bằng phương pháp chiếu đèn

 

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, vàng da sơ sinh có thể phát hiện sớm một cách dễ dàng, điều trị khá đơn giản. Điều trị chủ yếu bằng phơi nắng vào sáng sớm và chiếu đèn. Khi đó, ánh sáng sẽ phá hủy tác nhân gây vàng da và chất này được đảo thải qua nước tiểu. Nếu chiếu đèn không đỡ, trẻ mắc bệnh rất nặng thì phải thay máu.

Để nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh, sáng ngày 20/8, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) đã phối hợp triển khai lễ ký kết và khởi động Dự án OSCAR Phòng chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh. Dự án sẽ tài trợ 100 đèn chiếu vàng da để điều trị bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh tại 96 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của 10 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây dựng, phát hành tài liệu đào tạo về phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị vàng da trẻ sơ sinh dành cho đội ngũ cán bộ y tế, xây dựng và phân phát tài liệu truyền thông nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh lý cho các bậc cha mẹ. 

Theo các chuyên gia, máy chiếu vàng da có tuổi thọ ít nhất 5 năm, tương đương với thời gian hoạt động chiếu sáng liên tục tối thiểu là 44.000 giờ. Như vậy, với 100 máy chiếu được triển khai, sẽ giúp chữa trị sớm bệnh vàng da cho ít nhất 150.000 trẻ sơ sinh trong vòng 5 năm.

“Dự án Phòng chống bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ giúp các bà mẹ/người chăm sóc trẻ phát hiện bệnh sớm, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế về việc phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh. Từ đó giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chia sẻ.  

Theo TS Nguyễn Viết Tiến, hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bậc cha mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ sơ sinh ở nơi có ánh sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn