Giới trẻ Trung Quốc gần đây đang rộ lên một xu hướng chụp kỷ yếu mới. Thay vì những màn ném mũ, cầm hoa và những nụ cười rạng rỡ, các học sinh lựa chọn những kiểu dáng kỳ lạ, như một sinh viên bị hạ gục, nằm dài trên đường hoặc nằm bất động trên ghế.
Nhìn vào bức ảnh kỷ yếu có tựa đề “sống không bằng chết” của một cô gái trẻ, ta thấy hình ảnh một cô gái ngồi gập người, chúi mặt xuống đất trong bộ lễ phục cử nhân. Ngoài ra, còn có những bức ảnh chụp cô ngồi sụp xuống ghế, gục vào tường hoặc ngả người vào lan can cầu thang.
Ngoài chủ đề giả chết, nhiều người còn sử dụng công nghệ photoshop để tạo nên những tấm ảnh kỷ yếu táo bạo hơn, trong đó họ đứng bên cạnh một tòa nhà đang cháy và nở nụ cười tươi, hoặc có người ngồi trong thùng rác và tạo dáng với giấy vệ sinh.
Những hình ảnh "nổi loạn" như thế này tràn ngập các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc trong những tuần gần đây. Sinh viên mới tốt nghiệp chọn phong cách chụp này để phản ánh niềm tin giáo dục không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, đồng thời thể hiện sự lo lắng trước một tương lai xám xịt mà họ phải đối mặt - nguy cơ thất nghiệp sau khi ra trường.
Có 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học sẽ tham gia thị trường việc làm vào mùa hè năm nay, nhưng triển vọng nghề nghiệp có vẻ không mấy khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc đang ở mức kỷ lục, đạt 20,8% vào tháng 5 và làn sóng sinh viên ra trường ồ ạt tìm việc sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh vốn có. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Chính phủ Trung Quốc.
Hai lĩnh vực thu hút nhiều sinh viên nhất, và đồng thời cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự suy thoái kinh tế, đó chính là công nghệ và giáo dục.
Đứng trước thực trạng trên, nhiều sinh viên đã cảm thấy kiệt sức và chán nản. Một sinh viên viết trên mạng xã hội Trung Quốc: “Cuối cùng thì cũng học xong bằng thạc sĩ”, bên cạnh là bức ảnh cô nằm trên mặt đất, không đoái hoài gì tới tập luận án và chiếc mũ tốt nghiệp. Trong một bức ảnh khác, cô đã ném luận án của mình vào thùng rác.
Giới trẻ Trung Quốc ngày nay là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và dạy nghề tăng kỷ lục. Nhưng chính điều này đã khiến thị trường việc làm căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhiều sinh viên có kỹ năng tốt không tìm được việc phù hợp với nguyện vọng. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại bằng cấp dần mất đi giá trị đối với nhà tuyển dụng. Chính vì thế, họ tiếp tục theo đuổi các chương trình sau đại học. Tuy nhiên, ngay cả tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không đảm bảo một công việc ổn định.
Li Nian, một nghiên cứu sinh vừa tốt nghiệp, cũng hưởng ứng trào lưu chụp ảnh kỷ yếu “sống không bằng chết”. Sau khi lấy cảm hứng từ nhiều bức ảnh trên mạng, Li đã chụp cho mình bộ ảnh kỷ yếu riêng. Cô chia sẻ: “Có lẽ tôi sẽ nhớ mãi những tấm ảnh kỷ yếu này”.
Trong một bức ảnh, cô rũ người ra sau băng ghế công viên. Ở một bức khác, cô tạo dáng nằm trên mặt đất và gập người lại.
Được biết, Li đã theo học chương trình tiến sĩ ngay sau khi tốt nghiệp, và cô dự định sẽ đi làm ngay sau khi học xong. Mặc dù cô đã gửi rất nhiều hồ sơ xin việc, nhưng không có nhà tuyển dụng nào phản hồi. Li nhớ lại lần đi tham gia sự kiện hội chợ việc làm ở trường và tận mắt chứng kiến hàng đống tập hồ sơ xin việc bị ném vào thùng rác. Lý do là bởi nhà tuyển dụng không bao giờ thiếu nhân sự. Giờ đây Li đành phải đi du học ở nước ngoài, với hy vọng tấm bằng quốc tế sẽ giúp cô có một công việc tại quê nhà.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có tỷ lệ thất nghiệp cao. Các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Ý cũng đang phải vật lộn với tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đặc điểm nhân khẩu học của Trung Quốc khiến nguy cơ thất nghiệp trở nên rõ rệt hơn, bởi người trẻ tuổi chi rất nhiều cho tiền thuê nhà, phương tiện đi lại và các hoạt động văn hóa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn