Sự thật động trời về nhà báo Đức bịa thông tin và ăn chặn tiền từ thiện

16:52 | 30/12/2018;
Tuần báo uy tín Đức Der Spiegel (Tấm gương) đang đối mặt với một cơn khủng hoảng sau khi nhà báo Claas Relotius (33 tuổi) của tờ báo này thừa nhận đã bịa đặt nhiều bài báo. Tuy nhiên, tồi tệ hơn là ông ta còn bị cáo buộc và khởi tố hình sự vì kêu gọi tiền quyên góp cho nhân vật “hư cấu” là 2 đứa trẻ người Syria sống lang thang trên đường phố ở Thổ Nhĩ Kỳ để đút túi riêng.
Sự thật bị phanh phui
 

Từng được đánh giá là cây bút sáng chói, Claas Relotius đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí uy tín cả trong nước lẫn nước ngoài. Năm 2014, Claas Relotius được đài CNN (Mỹ) bình chọn là “Nhà báo của năm”. Còn ngay trong tháng 12 này, ông được Hiệp hội Phóng viên Đức trao giải thưởng cho câu chuyện về cuộc đời của một em bé ở Syria.

 
Tuy nhiên, gần đây, sự thật động trời về cây bút nổi tiếng này đã bị phanh phui. Các cuộc điều tra cho thấy, Claas Relotius đã tự "sáng tác" ra nhiều chi tiết trong các bài viết của mình và thậm chí còn “phát minh” ra nhân vật chính - những người mà ông ta chưa bao giờ gặp mặt. Do đó, báo Der Spiegel vừa đình chỉ công tác 2 nhân vật cấp cao là Tổng biên tập Ullrich Fichtner và Trưởng ban biên tập mảng xã hội Matthias Geyer vì có liên quan tới vụ bê bối tin giả của phóng viên Claas Relotius. Ủy ban điều tra của tờ báo này đang tiến hành điều tra vụ bê bối chấn động này. Ông Ullrich Fichtner chính là người phát hiện ra khả năng viết của Relotius, trong khi người còn lại đã tuyển dụng Relotius và gần đây còn làm cấp trên trực tiếp của Relotius.
 
matthias-geyer-1.jpg
Nhà báo Claas Relotius (phải) khiến Tổng biên tập Ullrich Fichtner bị vạ lây

 

Việc làm dối trá của Claas Relotius bị đưa ra ánh sáng sau khi Juan Moreno (người đã làm việc cho Der Spiegel từ năm 2007), một đồng nghiệp hợp tác với Claas Relotius trong một loạt bài về biên giới Mỹ-Mexico, cảm thấy nghi ngờ về các chi tiết trong bài viết của Claas Relotius. Khi mới nêu ra những ngờ vực của mình về Claas Relotius, Juan Moreno từng phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc vì lãnh đạo tờ Der Spiegel cùng nhiều đồng nghiệp khác không tin ông. Thậm chí, Claas Relotius còn được coi là "nạn nhân trong một âm mưu xảo quyệt" của Juan Moreno.
 
Nhằm chứng minh những nghi ngờ của mình là đúng, Juan Moreno đã truy tìm 2 nguồn tin mà Claas Relotius trích dẫn trong bài viết được đăng tải vào tháng 11/2018. Hai nguồn tin này đều khẳng định họ chưa từng gặp hay trò chuyện với ông Claas Relotius. Một cuộc điều tra tiếp sau đó của tờ Der Spiegel cũng cho thấy, Claas Relotius đã bịa thông tin trong các bài báo khác. Dù ban đầu phủ nhận mọi cáo buộc nhưng khi đối diện với những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng, Claas Relotius phải thừa nhận đã dựng chuyện và bịa ra nhiều nhân vật trong 14/60 bài viết được đăng trên cả tuần báo in lẫn báo điện tử của Der Spiegel.
 
spiegel-1.jpg
Tuần báo Đức Der Spiegel gặp bê bối nghiêm trọng nhất trong lịch sử 70 năm

 

Der Spiegel cảnh báo, rất nhiều tờ báo khác của Đức cũng có thể bị ảnh hưởng vì trong những năm qua, Claas Relotius đã cộng tác với khoảng 10 tờ báo của Đức, bao gồm Die Welt, Die Zeit và Financial Times… Đáng chú ý, trong danh sách những bài báo của ông được chứng minh chứa nhiều thông tin bịa đặt lại có một số tác phẩm đã giành giải thưởng báo chí, như những câu chuyện về trẻ em Iraq bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc hay tù nhân tại căn cứ quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo.
 
Trong những câu chuyện được bịa đặt có các bài báo về một tù nhân Guantanamo bị giam giữ trái luật, về một phụ nữ tham dự việc thực thi một bản án tử hình trong vai trò nhân chứng ở Mỹ.
 
claas-relotius-4.jpg
Claas Relotius từng nhận nhiều giải thưởng danh giá

  

Sau khi bê bối vỡ lở, Claas Relotius đã xin thôi việc và trả lại 4 giải thưởng báo chí: Giải "Deutschen Reporterpreis“ (Giải thưởng phóng viên Đức), giải "Peter Scholl-Latour-Preis“, "European Press Prize“, Giải thưởng Truyền thông của Nhà thờ Công giáo "Reemtsma Liberty Award" (Giải thưởng Tự do Reemtsma)… Đài CNN cũng đã tước danh hiệu “Nhà báo của năm” đã trao cho Claas Relotius trước đó.
 
Tuần báo Der Spiegel là tạp chí có lượng phát hành khoảng 725.000 bản in/tháng và có lượng người đọc online hơn 6,5 triệu người. Der Spiegel mô tả bê bối là "thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm của Spiegel". Tạp chí này đã thành lập một ủy ban nội bộ để điều tra về tất cả những bài báo nhà báo Relotius viết cho họ trong suốt 7 năm làm việc ở đây. Steffen Klusmann, Tổng biên tập vừa được chỉ định của Der Spiegel, tiết lộ một số chiến thuật mà Relotius đã sử dụng để tránh bị phát hiện bịa đặt trong bài báo của mình: yêu cầu các bài viết của mình không được dịch sang tiếng Anh hoặc đưa vào phiên bản Spiegel cao cấp.
 
steffen-klusmann.jpg
Steffen Klusmann, Tổng biên tập vừa được chỉ định của Der Spiegel đang sốc lại tờ báo

 

Bẻ cong ngòi bút để kiếm tiền quyên góp từ thiện
 
Sau khi Relotius thừa nhận việc ngụy tạo tin tức trong nhiều năm qua, bao gồm những bài báo từ năm 2014 viết về cuộc biểu tình Maidan (Ukraine), một số độc giả đã lập tức liên hệ với Der Spiegel để phán ánh về việc nhà báo này đã kêu gọi ủng hộ cho những đứa trẻ mồ côi Syria sống trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ mà ông ta đề cập trong một bài viết từ tháng 7/2016. Theo đó, bài viết của Claas Relotius kể về câu chuyện của Alin và anh trai Ahmed - người bị buộc phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cha mẹ chúng thiệt mạng ở Aleppo.
 
claas-relotius-2.jpg
Những giả dối của nhà báo Claas Relotius khiến bạn đọc mất lòng tin

  

Để sống sót, những đứa trẻ làm việc nhiều giờ với công việc lương thấp và sống trong điều kiện ảm đạm. Relotius cho biết ông ta đã giành nhiều giờ để nói chuyện với 2 đứa trẻ, những người sống cách nhau 300km ở Mersin và Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông mô tả các hoạt động hàng ngày của 2 đứa trẻ một cách chi tiết, cho đến lời bài hát mà Alin hát trên đường đi làm và cả những chi tiết về giấc mơ của cô. Cô bé Alin 13 tuổi theo lời kể của ông Relotius, hàng đêm đều mơ thấy nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel như một nữ thần với chiếc áo choàng màu trắng, mái tóc dài vàng óng. Alin đã viết cho anh trai mình, Ahmed - người đang ở một trại tị nạn ở Nizip, Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) - rằng bà Angela Merkel là người đã cứu giúp cuộc sống của chúng.
 
Thế nhưng, Emin Ozmen - một phóng viên ảnh Thổ Nhĩ Kỳ đi theo Relotius thực hiện phóng sự - khẳng định Relotius đã "bịa" nhiều chi tiết xung quanh cuộc đời của các đứa trẻ Syria, đồng thời hư cấu quá nhiều thông tin trong bài báo. Ông Emin Ozmen cho biết, nếu đúng là Relotius đang viết về một đứa trẻ đang ở Gaziantep thì đứa trẻ mà cả 2 đã gặp không phải trẻ mồ côi. Mẹ của chúng còn sống và làm việc tại một cửa hàng đồ nội thất ở Gaziantep.
 
Còn báo Der Spiegel đã tìm cách để liên lạc với nhân vật trong câu chuyện của Relotius nhưng vẫn chưa có manh mối nào về một cô bé có tên là Alin, em gái của nhân vật Ahmed.
 
spiegel-2.jpg
Der Spiegel đang kiểm tra nội bộ và khởi kiện hình sự Claas Relotius

  

Chính báo Der Spiegel đã khởi kiện hình sự Relotius ra tòa vì phóng viên này có thể đã biển thủ tiền quyên góp của độc giả dành cho trẻ em Syria sống lang thang trên đường phố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Der Spiegel, bạn đọc báo tin rằng Relotius đã sử dụng email cá nhân để kêu gọi quyên góp cho trẻ mồ côi Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiền ủng hộ đã được Relotius chuyển vào tài khoản cá nhân. Tờ báo Đức đang thu thập bằng chứng về Relotius để gửi tới công tố viên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn