Sự thật ít ngờ về vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore, triệu chứng và cách phòng bệnh

14:20 | 09/06/2022;
Sau khi trên mạng xã hội chia sẻ nhiều về loại vi khuẩn “ăn thịt người” có tên Whitmore, các chuyên gia đã lên tiếng và khẳng định đang có sự nhầm lẫn.

Đang nhầm lẫn vi khuẩn “ăn thịt người”

Những ngày gần đây, thông tin về việc một bé gái 9 tuổi ở Đăk Lăk bị “vi khuẩn ăn thịt người” (Whitmore) tấn công đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể, bé gái nhập viện với triệu chứng sốt cao, tuyến mang tai hai bên sưng to, góc hàm hóa mủ, đau, há miệng hạn chế. Theo CDC Đăk Lăk, đây là trường hợp đầu tiên tại địa phương được ghi nhận mắc bệnh Whitmore - căn bệnh đã bị lãng quên nhiều năm và mới xuất hiện lại gần đây.

TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, những hoang mang, lo lắng mà mọi người chia sẻ trên mạng về vi khuẩn “ăn thịt người” đang bị hiểu nhầm. Trong y khoa có nhắc đến vi khuẩn “ăn thịt người”, nó có tên Aeromonas hydrophila. Vi khuẩn này có tiết ra 2 độc tố gây thối rữa thịt, nên nó có tên “ăn thịt người”.

Xét nghiệm máu và mủ vết thương của bệnh nhân được nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Còn bệnh mọi người đang bàn tán xôn xao trên mạng có tên là Whitmore (hay bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Đây không phải vi khuẩn “ăn thịt người”, bệnh này cũng không phải mới mà đã biết đến từ rất lâu.

“Bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử”, BS Khanh cho hay.

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Bùi Vũ Huy - Giảng viên Cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội cũng khẳng định, bệnh Whitmore không phải là bệnh “ăn thịt người” như dư luận đồn thổi trong thời gian vừa qua.

Theo PGS Huy, chỉ những trường hợp nặng vi khuẩn Whitmore mới gây hoại tử, còn bình thường vi khuẩn Whitmore không có khả năng "ăn" các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” như một số thông tin lan truyền. Những thông tin này có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Bệnh không hiếm, đang có xu hướng gia tăng

TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) khẳng định, Whitmore không phải là vi khuẩn ăn thịt người. Gần đây, bệnh được phát hiện nhiều hơn trước, đa số các bệnh nhân đến viện khi tình trạng đã nặng. Tại tỉnh Hòa Bình, trong 2 năm trở lại đây, đã ghi nhận 5 bệnh nhân, hầu hết đều đến bệnh viện trong tình trạng nặng vì không biết mình mắc bệnh này.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn.

Hình ảnh bệnh nhân bị Whitmore đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: BSCC.

Theo PGS Cường, tại Việt Nam, bệnh đã được phát hiện ra từ rất lâu, lưu hành ở một số địa phương và được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều đáng nói, trước đây bệnh xuất hiện rất ít, có khi 5-10 năm mới ghi nhận 20 ca mắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh xuất hiện ngày càng nhiều.

PGS Cường dẫn chứng, có thời điểm một tháng trung tâm tiếp nhận 12 ca Whitmore vào viện điều trị. Trong đó có những trường hợp rất nặng, nguy cơ tử vong cao. “Bệnh thường xảy ra vào mua mưa, tập trung khoảng từ tháng 7 đến tháng 11. Những người tiếp xúc với môi trường đất, nước có nguy cơ mắc cao hơn, do vậy khi tiếp xúc cần phải có phương tiện bảo hộ, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để”, PGS Cường cho hay.

Biểu hiện và cách phòng bệnh

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể có thể ủ bệnh kéo dài, trung bình từ 2 tới 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Người mắc bệnh Whitmore thường có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Đặc biệt, bệnh còn gây nên tình trạng nhiễm trùng tại một số cơ quan trên cơ thể.

Cần có phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc với bùn đất để tránh bị vi khuẩn xâm nhập. (Ảnh minh họa)

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn