Sự thật nữ liệt sĩ cho con bú giọt sữa cuối cùng trước khi bị địch bắn: Cái chết hóa thành bất tử

07:45 | 06/12/2018;
Để sáng tỏ hơn về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư và những giờ phút hy sinh đã hóa thành bất tử của chị, chúng tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin của những người có liên quan khác trong bài viết này.

Những số phận - những cuộc đời…

Bạn đọc chắc còn nhớ anh Bé (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Bé) - người bị lính nghĩa quân hội đồng xã bắt khi đang đi soi ếch. Khi bọn lính vào nhà bà Đẩu bắt và tra tấn chị Nguyễn Thị Tư thì anh Bé bị chúng trói lại ở sân vườn trước nhà. Nhờ đèn sáng từ nhà hắt ra, anh Bé nhìn rõ tất cả mọi việc, bao gồm cả việc bà Đẩu ra ám hiệu báo cho bọn lính biết người đàn bà bồng con là chị Tư, vợ Năm Dõng. Đây là một điểm mấu chốt nhất của câu chuyện!

Sau khi bắn chết chị Tư tối 7/4/1972, bọn lính dẫn anh Bé về đồn và bắt đi quân dịch. Sau 3 tháng ở quân trường, anh Bé đào ngũ. Việc đầu tiên là anh vào căn cứ Mỹ Trinh, tìm gặp báo cho anh Năm Dõng biết: Chính bà Đẩu đã chỉ điểm cho chúng bắt chị Tư và kể lại cuộc tra tấn ra sao, chị gãy tay như thế nào…

a12.jpg
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 

Anh Bé sau đó cũng tham gia du kích và đã anh dũng hy sinh cho cách mạng. Anh cũng được công nhận là liệt sĩ. Được biết, mộ anh Bé cũng nằm gần mộ chị Tư, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hưng A.

Sau khi anh Bé báo lại sự việc, anh Năm Dõng rất căm thù và “muốn trở về giết bà Đẩu và bọn ác ôn ngay!”. “Nhưng Huyện ủy Vĩnh Lợi đã chỉ đạo Năm Dõng tuyệt đối không được manh động, không được về xóm để trả thù, không được giết bà Đẩu” - ông Đặng Hoàng Nhi kể. Đồng thời cử người thường xuyên động viên tinh thần Năm Dõng sau khi vợ đã bị giặc giết rất dã man.

Nói về bà Tư Đẩu, theo như lời kể của các nhân chứng thì trước đây, bà Đẩu cũng đã từng tham gia đấu tố địa chủ. Rồi bà Đẩu trở thành gián điệp khi nào không ai biết (bởi vậy, khi bà Đẩu đón đường gọi chị Tư vào nhà để nghỉ chân… thì chị Tư không chút nghi ngờ). Một lần, Huyện ủy Vĩnh Lợi được mật báo sẽ có một trận càn vào căn cứ Mỹ Trinh, nên tổ chức đã cho người về đưa bà Đẩu lên cứ - và như ông Đặng Hoàng Nhi kể lại “nếu có trận càn đó thì du kích sẽ thủ tiêu bà Đẩu ngay, còn nếu không thì sẽ giao cho công an để khai thác vấn đề chỉ điểm và làm gián điệp của bà ấy”.

Trận càn của địch đã không xảy ra. Bà Đẩu được chuyển cho công an. Nhiều người “động viên” bà nên khai báo để được hưởng lượng khoan hồng của cách mạng. Rồi bà Đẩu đã khai sự thật những hoạt động gián điệp của bà trong suốt thời gian qua. Bà thừa nhận đã chỉ điểm chị Nguyễn Thị Tư - vụ này bà được thưởng 3.000 đồng (tiền chính quyền Sài Gòn lúc đó, trị giá khoảng 1 cây vàng).

Huyện ủy xét thấy hoạt động của bà Đẩu đã gây tổn hại lớn cho cách mạng, nên quyết định tử hình bà. Cuộc tử hình ấy được tổ chức công khai tại xóm. Huyện ủy giao cho Năm Dõng tổ chức, nhưng không phải là người trực tiếp giết bà Đẩu mà phân công người khác thực hiện.

a11a.jpg
Thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tư và đồng đội của chị

 

Tiếp đến là Minh “hô”, người trực tiếp xẻo tai chị Tư đưa về báo công. Chị Tư bị địch giết dã man, tin dữ đó lan khắp vùng. Ngay hôm sau, Minh “hô” vào nhà bà Lê Thị Bảy - mẹ chị Tư và nói: “Má cho tui thắp nhang cho chị Tư, vì ngoài chợ họ toàn nói tui là người đã bắn chết chị Tư!”. Trời đất ơi, ngòi nổ nỗi đau của má dồn nén mấy hôm nay bỗng như bị kích hoạt. Má chỉ thẳng vào mặt Minh “hô” mà hét lên: “Ai bắn thì con tao cũng đã chết! Ra ngay! Ra khỏi nhà tao ngay!”. Thế là Minh “hô” lủi thủi ra khỏi nhà, trước ánh mắt khinh bỉ và căm thù của những người đang đến viếng chị Tư.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Minh “hô” vẫn còn sống. Nhưng gia đình ông đã bỏ xứ đến sống ở một tỉnh khác. Từ đó đến giờ ông Minh chưa bao giờ trở về quê hương. Nỗi đau mất chị Tư là tổn thất không gì bù đắp nổi của gia đình, đồng đội và nhân dân, vẫn chưa có bản án nào dành cho ông. Nhưng, việc ông Minh phải bỏ quê hương bản quán mà đi, không dám trở về nữa… cũng đã là một hình phạt rất nặng đối với ông ấy rồi.

Tôi có chút hy vọng, khi người thân, người quen của ông nếu đọc được bài này thì bảo “ông cứ trở về quê đi, để thăm lại gia đình, hương khói cho người thân. Và bây giờ cũng là thời điểm tốt cho ông đến mộ chị Tư thắp nén nhang sám hối! Muộn còn hơn không, ông Minh à!”. Tôi tin không ai muốn báo thù nữa đâu. Con người Việt Nam ta luôn nhớ những nỗi đau, căm thù tội ác; nhưng chúng ta không bao giờ là người có những hành động trả thù hèn mọn! Tôi tin nhân dân Bạc Liêu, nhân dân Vĩnh Lợi, bà con gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tư cũng có sẵn tấm lòng nhân hậu đó!

“Giọt sữa cuối cùng” - khúc tráng ca để đời

Từ câu chuyện có thật của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, soạn giả Trọng Nguyễn (nguyên Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu) đã viết nên bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” vào năm 1997. Bài vọng cổ đã nhanh chóng lan tỏa trong cả tỉnh, cả miền Nam và rồi cả nước.

Là một người có sáng tác ca khúc, tôi ngưỡng mộ những câu thơ và ca từ trong bản vọng cổ đó. Tôi nghĩ đó cũng là một đóng góp hết sức to lớn vào việc lan tỏa hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư trên phạm vi toàn quốc. Được biết, khoảng hơn một năm sau khi bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” ra đời, chị Nguyễn Thị Tư được công nhận là liệt sĩ.

Soạn giả Trọng Nguyễn đã mất cách đây chưa đầy năm. Trên đường về lại TP. Bạc Liêu, chúng tôi ghé vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để thắp nén nhang thơm viếng mộ chí của ông và cảm ơn ông đã có một khúc tráng ca để đời.

a10.jpg
GS Nguyễn Anh Trí (thứ 2 từ phải sang), tác giả bài viết, chụp ảnh chung với chồng, các em trai và đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 …Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri (sáng 22/9/2018), chúng tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hưng A để thắp hương viếng mộ chị Nguyễn Thị Tư. Mộ chị nằm ngay ngắn cùng với những liệt sĩ cùng quê. Trong cái nắng xế chiều, hương nhang thơm nghi ngút bên mộ chị Tư, tôi cảm thấy hết sức nhẹ lòng vì đã làm được một việc quan trọng của đời mình: Tìm hiểu đầy đủ nhất và trung thực nhất (có thể) những thông tin về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư - người mà ai biết đến cũng đều xót thương, ngưỡng mộ và ghi nhớ công ơn!

Chúng tôi mong câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư cần phải được ghi lại thật đủ, cụ thể và trung thực. Rồi cần làm mọi cách để lan tỏa cho cả nước biết được, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Rồi cần làm các thủ tục để phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho chị. Rồi xây dựng những tượng đài (vật thể và phi vật thể) để tưởng nhớ về người phụ nữ anh hùng đó; góp phần xây dựng, làm đẹp hơn, làm giàu hơn mảnh đất Vĩnh Hưng nói riêng, Bạc Liêu nói chung kiên cường, anh dũng và ân tình.

Về bức hình người mẹ đang cho con bú và một người lính Mỹ xách súng đứng chờ

Riêng bức hình người mẹ đang cho con bú và một người lính Mỹ xách súng đứng chờ là do phóng viên chiến trường Larry Burrows chụp. Chúng tôi khẳng định: Đó không phải là bức hình chụp cảnh chị Tư cho con bú, vì các lý do sau: Thứ nhất, câu chuyện chị Tư xảy ra ban đêm, không phải ban ngày; thứ hai, chị bị lính người Việt bắt, chứ không phải lính Mỹ; thứ ba, chị Tư khi bị bắt và cho con bú là mặc áo cộc tay (tất cả mọi người đều khẳng định như vậy); và, chị đã bị đánh gãy tay, bị tra tấn đến bầm dập, nên không có thể ngồi cho con bú với tư thế đó được. Tôi nghĩ thế là đủ!

 

Tác giả bài viết - GS.TS, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa Medlactec.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn