Sự thật nữ liệt sĩ cho con bú giọt sữa cuối cùng trước khi bị địch bắn: Hy sinh anh dũng

07:45 | 05/12/2018;
Cả bọn lính vừa đẩy, vừa kéo chị Tư ra khỏi nhà bà Đẩu rồi đi dọc con đường làng. Chị lả người vì đau đớn về thể xác và vì nghe tiếng khóc thét xé ruột của đứa con bé bỏng cứ xa dần…

Chiếc áo cộc tay chị mặc đã rách bươm, thấm máu. Bọn lính như muốn cho chị một “đặc ân” cuối cùng, đó là muốn tìm một cái áo để thay cho chị. Đi khoảng 600m, kể từ nhà bà Đẩu, bọn lính thấy ở một nhà có ánh đèn rọi ra le lói, chúng liền đẩy chị Tư vào nhà đấy.

Phút cuối của chị Tư…

Chị Tư bị đẩy vào nhà bà Nguyễn Thị Hà, ngay gần với nhà mẹ đẻ của chị. Chồng bà Hà trước đó đã tham gia chiến đấu, cũng vừa bị giặc bắt và giết chưa đầy 4 tháng trước. Trong vườn nhà cũng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, nên khi nghe tiếng chó sủa râm ran dọc con đường dẫn đến nhà mình, bà Hà linh cảm điều không hay. Bà Hà vặn to đèn rồi cùng cậu con trai mới lớn (bị tật nguyền ở tay) đi ra ngõ. Vừa lúc bọn lính cũng đang đẩy chị Tư vào đến sân.

a1a.jpg
GS Nguyễn Anh Trí, tác giả bài viết thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 

Dưới ánh đèn pin lia như quét của bọn lính, bà Hà nhận ra ngay đó là chị Tư, vợ Năm Dõng. Bà kêu lên: “Trời đất, người ta đang nuôi con nhỏ, có làm cái gì mà mấy ông bắt?”. Cả bọn lính cứ đi tiếp vào sân, Minh “hô” chỉ vào bà Hà hỏi: “Bà có cái áo nào cho con mẹ này bận coi!”. Vốn đã ghét bọn lính nên bà nói ngay: “Tui có mỗi cái này đang bận thôi! Không có!”.

Một thằng lính hất hàm về phía anh con trai của bà, nói: “Lấy áo thằng này cho nó bận cũng được!”. Bà Hà nhìn kỹ vào chị Tư, một thân thể bầm dập, gãy một tay, môi sưng húp, áo rách tả tơi, thấm máu. Một lòng thương vô hạn bỗng dâng trào, bà giục đứa con trai chạy vội vào nhà lấy áo đưa ra. Một thằng lính giật lấy mặc qua quýt cho chị Tư. Cái tay gãy của chị bị mấy thằng lính giật để nhét vào tay áo, làm chị đau đến suýt ngất.

Mặc áo xong, bọn chúng đẩy chị Tư đi nhanh ra phía sau nhà. Chỉ trong phút chốc, một loạt súng vang lên. “Nhanh lắm, chỉ một lát là chúng nó bắn liền à!”, bà Hà thốt lên khi kể cho chúng tôi nghe. Bà và con trai chạy ngay ra vườn, thấy chị Nguyễn Thị Tư nằm sấp, máu đang chảy thành dòng, thấm đẫm xuống vườn, thấm đẫm mảnh đất Vĩnh Hưng thân yêu của chị! Bà Hà hét lên thất thanh: “Trời đất ơi! Người ta đang có con nhỏ còn bú, có tội tình gì mà giết người ta? Trời đất ơi! Bọn bây ác dữ vậy…!”.

a7.jpg
Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt chuyên đề người có công về liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 

Bọn lính hầu như không thèm nghe tiếng hét căm thù của bà Hà! Thằng Minh “hô” rút dao xẻo 2 cái tai (có đôi bông tai) từ thi thể chị Nguyễn Thị Tư để mang về nộp cho thượng cấp nhằm minh chứng đã giết được chị Tư và để lấy thưởng. Xong việc, bọn lính nhanh chóng kéo đi, không quên chửi rủa những lời tục tĩu - mà chúng tôi nghĩ là để nhằm trấn an cho chính họ vì đã gây ra tội ác!

Đất quê hương đón nữ anh hùng

Bà Hà và con trai ngồi thụp xuống bên cạnh thi thể chị Tư. Bà nhận ra là không thể nào cứu được nữa. Bọn giặc đê hèn đã bắn trọn cả băng đạn từ phía sau lưng để giết một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn!

Chợt như nhớ ra việc cần làm ngay, bà đứng dậy, vào nhà vặn to ngọn đèn hơn, cùng con trai sang nhà báo cho gia đình chị Tư biết. Bọn lính vẫn còn đứng đâu đó, một thằng lớn tiếng hăm dọa: “Bà thắp đèn đi đâu đấy? Coi chừng đó!”. Bà Hà gầm lên: “Mấy người bắn người ta chết. Bộ không muốn cho tui đi kêu người nhà cổ đến lấy thây hả?”. Chỉ lúc sau má chị Tư và em trai thứ chín - là anh Nguyễn Hồng Nhen (gọi là Chín Nhen) đã chạy sang. Thấy máu đang chảy ra từ thi thể không còn lành lặn của chị gái, Chín Nhen bị ngất xỉu một lúc. Má chị Tư gắng gượng cùng mọi người rọi đèn thu dọn và đưa con gái về nhà.

Những giọt máu còn lại từ thi thể còn ấm của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư vẫn tiếp tục nhỏ thấm con đường quê hương chị! Má và em ôm chị vào lòng, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng rực lửa căm thù. Đây là người con thứ tư trong gia đình đã hy sinh vì bom đạn của quân thù! 

a8.jpg
Ông Đặng Hoàng Nhi-người thủ trưởng cao nhất lúc đó với chức vụ Thường vụ Huyện ủy kiêm Xã đội trưởng, kể lại chuyện về liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 

Gió biển mặn mòi băng qua cánh đồng xứ lúa Bạc Liêu, vuốt miên man trên làn da đang nguội dần của chị. Xóm làng trở lại yên ắng, một sự yên ắng chất chứa căm thù sâu sắc không thể nói nên lời. Chỉ còn tiếng thút thít của cậu em trai, dù đã cố kìm nén nhưng vẫn nghe rất rõ. Má chị pha nước ấm rửa thân thể cho chị. Hôm sau, xóm làng lưu luyến tiễn đưa người con gái anh hùng về nơi an nghỉ cuối cùng. Mộ chị Nguyễn Thị Tư được gia đình đặt ngay gần nhà. Má đặt bát hương cho chị ngay trong nhà của mình. Bà con xóm làng, những du kích trong căn cứ thay nhau về thắp nhang cho chị.

Tôi chợt hỏi anh Trần Thanh Tòng (năm 1972 đã là Xã đội phó) trong bữa ăn trưa sau hội nghị: - “Thế sau đó địch không rình bắt du kích nữa à?”. - “Không, anh! Sau cái chết của chị Tư, tình hình dịu hẳn xuống. Có khi chúng tôi đi cả chục người ra thắp nhang cho chị Tư. Có người còn mang cả những kỷ vật như khăn, áo, quà… mà chị Tư đã tặng ra nhà má, rồi ôm khóc trước bàn thờ chị Tư. Du kích chúng tôi thương nhớ chị Tư lắm, anh à!”, anh Tòng nói với tôi mà nước mắt lưng tròng.

Qua đó, chúng tôi hiểu, cái chết lẫm liệt của chị Tư đã có tác động lớn đến tình hình địa phương lúc đó. Ngoài chợ Vĩnh Hưng cứ xôn xao chuyện bọn ác ôn đã giết chị Tư. Bọn địch biết du kích sẽ có những đòn đáp trả. Cả căn cứ Mỹ Trinh cũng đang chuẩn bị những hành động trả thù cho chị Tư tương xứng với tội ác mà kẻ thù đã gây ra.

…Đến đây tôi cũng không thể viết tiếp được nữa. Đã mấy ngày hội nghị xong, về đến Thủ đô Hà Nội rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến cái chết oanh liệt, ngoan cường của chị Tư, mỗi lần liên tưởng đến cái cảm giác thiêng liêng khi chị được ôm đứa con nhỏ vào lòng và biết chắc địch sẽ giết mình… thì mắt tôi lại ứa lệ. Tôi cố kìm nén đến mức đôi khi bật ra những tiếng nấc nghẹn cả khi trên ô tô, cả trong máy bay, cả giữa buổi họp giao ban…

Thương yêu chị Tư quá! Kính trọng và ngưỡng mộ chị Nguyễn Thị Tư - một điển hình của người phụ nữ Việt Nam anh hùng đến vô cùng vô tận!

(Còn nữa)

 

GS.TS, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa Medlactec.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn