Sự thật nữ liệt sĩ cho con bú giọt sữa cuối cùng trước khi bị địch bắn: Về vùng đất anh hùng

07:45 | 03/12/2018;
Liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (nhân vật trong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn), hiện chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng trong tôi thì với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với sự hy sinh anh dũng… thì liệt sĩ Nguyễn Thị Tư xứng đáng là Người nữ anh hùng!

Từ một mẩu tin nhỏ trên Facebook

Cách đây gần đầy năm, trên Facebook của nhà văn Đỗ Bích Thúy (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) có mẩu tin ngắn nói về một người phụ nữ ở Bạc Liêu đã bị giặc bắt, tra khảo và rồi bắn. Trước khi bị địch bắn chị chỉ xin được cho con bú no những giọt sữa cuối cùng của mình. Kèm theo là bức ảnh của một người lính Mỹ giương súng đứng chờ người mẹ cho con bú (xin nói ngay: Về sau tôi đọc trên mạng và biết bức ảnh đó là có thật nhưng không liên quan đến câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (xin được gọi là chị Tư) ở Bạc Liêu).

a1a.jpg
GS.TS Nguyễn Anh Trí, tác giả bài viết, thắp hương trên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư

 

Được biết, câu chuyện này cũng đã được soạn giả Trọng Nguyễn viết nên bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng”.

Sau đó theo dõi tôi thấy, mặc dù cũng đã có bài viết khá kỹ, nhưng vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về tính xác thực của câu chuyện. Thế là tôi quyết định lập kế hoạch đến tận nơi, vào tận nhà, gặp cho được những nhân chứng biết rõ, thậm chí là có mặt lúc chị Tư bị bắn… để tìm cho ra sự thật về người nữ anh hùng này!

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2018), tôi tìm gặp đồng chí Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và trình bày nguyện vọng của mình. Thật may mắn, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, sự vào cuộc hết sức nhiệt tình của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là của anh Huy Thái trong việc kết nối, mời nhân chứng, mời đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, huyện, xã… tham gia chính thức trong một buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về người có công. Thế là, mới có chuyến đi này, chuyến đi hết sức có giá trị về mặt lịch sử, về mặt tri ân để tìm hiểu thật rõ, thật trung thực về một nữ anh hùng - mà cá nhân tôi vô cùng cảm kích và ngưỡng mộ.

Về lại với lịch sử

Tôi đáp chuyến máy bay trưa ngày 21/9/2018 từ Hà Nội vào Cần Thơ. Từ trong phòng lấy hành lý, tôi đã thấy anh Huy Thái đứng đợi ở cửa ra. Tay bắt mặt mừng như hai người bạn tri kỷ gặp lại nhau; chúng tôi nói chuyện suốt quãng đường hơn 110km từ Cần Thơ về Bạc Liêu. Qua đó, tôi rất vui vì được biết anh Huy Thái đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc gặp ngày hôm sau.

a2a.jpg
Tác giả - GS.TS Nguyễn Anh Trí (thứ 2 từ trái sang) tại gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Từ trái sang: Ông Lê Văn Dõng (chồng của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư), chị Lê Thị Hó (ngồi thứ 3 trái sang, con gái đầu chị Tư), ông Nguyễn Huy Thái (Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) và con gái chị Hó

 

Sáng 22/9/2018, chúng tôi khởi hành khá sớm. Trên con đường rợp bóng cây, trong một tiết trời mát mẻ, với một cảm xúc dâng trào và với những câu chuyện mặn nồng về tình người, tình đất, tình đồng chí, tình yêu với bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Chúng tôi đã về tới xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) chỉ sau khoảng 30 phút.

Xã Vĩnh Hưng A là một trong những địa chỉ Cách mạng nổi tiếng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ở đây hầu như nhà nào cũng có những đau thương, mất mát như có thương binh, liệt sĩ… Nhà nào cũng có người làm du kích với những thành tích đánh giặc vô cùng độc đáo. Bởi vậy, vào năm 1978 Nhà nước đã phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã.

Đã có khá nhiều người đang đợi chúng tôi ở ngôi nhà có đặt bàn thờ của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Được biết, lúc bị địch bắn, chị Tư vẫn chưa có nhà riêng mà cùng 4 đứa con ở nhờ nhà của một người cậu của chồng. Còn đây là ngôi nhà tình nghĩa do đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bạc Liêu, đã quyết định trao tặng để làm nơi thờ tự chị Tư. Hiện giờ người con gái đầu của chị Tư - tên là Lê Thị Hó - đang sống và chăm lo hương khói cho mẹ.

Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Lê Văn Dõng, tên thường gọi Năm Dõng (tên lý lịch Đảng là Lê Hùng Dũng) - người du kích diệt ác, phá kìm nổi tiếng năm xưa, là chồng của chị Nguyễn Thị Tư; gặp nhiều cựu chiến binh, chiến sĩ du kích kiên cường - là những người đã được chị Tư tiếp tế (lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men…) và được cung cấp thông tin tình hình hằng ngày. Ngoài ra có khá đầy đủ đại diện chính quyền địa phương, bà con chòm xóm, con cháu của chị…

Việc đầu tiên là chúng tôi thắp nén hương thơm lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Tôi thưa chuyện với hương hồn chị Tư, cầu mong chị cho biết câu chuyện một cách trung thực nhất, sống động và cụ thể nhất. Ai cũng cảm động khi nhìn trên bàn thờ đơn sơ có một bức ảnh của một người phụ nữ đậm chất Nam bộ: Gầy, đôi mắt mở to, cái nhìn thân thương nhưng có vẻ đanh thép từ trong sâu thẳm. Tôi lặng nhìn và nghĩ: Được đến đây, thắp trước bàn thờ chị Tư nén hương thơm và làm được những việc tri ân với những đóng góp, hy sinh của chị... thật sự là hạnh phúc, là may mắn lớn lao của đời mình!

 (Còn nữa)

GS.TS, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa Medlactec.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn