Sự thật rùng mình phía sau những bát bún ốc nóng hổi

13:50 | 14/12/2022;
Chuyên gia khuyên tốt nhất nên hạn chế tối đa việc ăn ngoài hàng quán vỉa hè vì có thể ăn phải ốc bẩn, ốc nhiễm sán, ốc cấp đông... Hoặc nếu có ăn cũng chỉ nên ăn ở những cửa hàng quen, uy tín, hiểu rõ quy trình nấu, luộc.

Vào những ngày thời tiết se lạnh, còn gì thú vị hơn là được ngồi xì xụp một bát bún ốc nóng hổi, vị nước dùng chua thanh, thịt ốc béo béo, giòn giòn. Trên thị trường, một bát bún ốc có giá dao động từ 20-30 ngàn đồng/bát – mức giá quá hợp lý cho một món ngon giàu dinh dưỡng. 

Tuy nhiên điều đáng bàn là quy trình xử lý ốc vô cùng phức tạp, do đó không phải quán ăn nào cũng đủ có tâm để sơ chế ốc cẩn thận. Thực tế, cơ quan chức năng từng bắt tại trận không ít kho ốc ngâm hóa chất, ốc cấp đông cả năm... đang chuẩn bị để vận chuyển, bán cho các quán ốc vỉa hè.

Kinh hãi ruột ốc cấp đông để cả năm, ốc bị ngâm hóa chất vẫn bán

Trước đây, cơ quan chức năng từng phanh phui một kho ốc tại chợ đầu mối Nhổn (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây chuyên cung cấp thịt ốc đã làm sẵn, đóng túi trữ đông. Dù ốc là loại thực phẩm dễ ôi thiu xong chủ cửa hàng lại khẳng định hạn sử dụng của ruột ốc lên đến hàng năm trời. Khi được rã đông, ốc có dấu hiệu rỉ nước, dù đã được làm sạch vỏ trước đó nhưng vẫn còn chứa nhiều cặn bùn, chứa rất nhiều ốc con. 

Sự thật rùng mình phía sau những bát bún ốc nóng hổi, coi chừng nhiễm sán, ngộ độc vì món 'khoái khẩu' - Ảnh 1.

Những túi ốc được cấp đông cả năm trời mới mang ra sử dụng. (Nguồn: ANTV)

Ốc cấp đông bảo quản cả năm trời mới mang ra sử dụng là một chuyện. Sự việc ốc được ngâm hóa chất cho "đẹp mã", bán giá cao hơn cũng thường xuyên bị cơ quan chức năng "bắt tại trận". Vào giữa năm 2021, Công an quận 8 (TP.HCM) phối hợp cùng Phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 đã xử lý 2 cơ sở bán ốc không rõ nguồn gốc, ngâm hóa chất độc hại. 

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 20 can nhựa chứa hóa chất không nhãn mác, không thời hạn sử dụng. Nhà chức trách tạm giữ 1,8 tấn ốc đã ngâm qua hóa chất.

a1-1621497798784244815093-1621498981330-16214989815282046971641.jpeg

Ốc được ngâm hóa chất. (Nguồn: Zing News)

Đầu năm 2021, Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP.HCM) cũng đã phát hiện, xử lý một cơ sở chế biến thịt ốc tại Khu dân cư Bến Lức (P.7, Q.8, TP.HCM). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện các công nhân đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc. Sau khi ngâm với hóa chất này, ốc sẽ sạch, tươi bóng và tăng ký ốc trước khi giao cho các chợ và tiệm ăn trên địa bàn TP.HCM.

hinh2_frrx.jpeg

Các thùng đựng hóa chất công nghiệp dùng để ngâm thịt ốc. (Nguồn: PLO).

Coi chừng nhiễm sán, ngộ độc vì món 'khoái khẩu'

Theo ThS.BS Dương Quốc Phong (công tác tại Bệnh viện Thống Nhất, giảng viên Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM), nếu như thủy hải sản tươi thì phải sử dụng trong ngày. Còn nếu thủy hải sản được ấp đông đúng (<-20 độ C) thì có thể dùng trong 4-6 tháng. Do đó, việc cấp đông ốc lên đến 1 năm rồi mới mang ra dùng thì chưa được coi là đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đó là còn chưa kể quy trình xử lý ốc vô cùng phức tạp. Không chỉ cần ngâm mà còn cần rửa, luộc qua, bóp muối, bóc tách từng phần ruột ốc... Quy trình này rất khó có thể thực hiện tốt ở các xưởng ốc nhỏ lẻ, không được kiểm soát về chất lượng. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay: "Rất khó để phân biệt ốc sạch, ốc bẩn vì loại ốc cấp đông này đã được phân phối rộng rãi từ nhà hàng đến quán ăn vỉa hè. Hơn nữa, quy trình làm ốc rất mất thời gian, đừng hy vọng các quán ốc tự mua ốc về để sơ chế sạch và bán cho bạn. Cách tốt nhất là hãy hạn chế ăn bún ốc ở nhà hàng, hàng quán trôi nổi".

Ốc không ngâm rửa, vẫn còn bùn đất mà đã đổ vào nồi luộc sơ để nhể ruột thì chắc chắn sẽ còn tồn đọng rất nhiều ký sinh trùng. Trong quá trình cấp đông, ký sinh trùng bị đóng băng không thể phát triển xong chỉ cần rã đông ra, nó sẽ sinh sôi rất nhanh.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: "Đối với loại ốc cấp đông không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng như vậy thì người tiêu dùng tuyệt đối không nên ăn. Khi ăn phải ốc kém chất lượng thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhiễm sán gan, ngộ độc cấp tính… là hoàn toàn có thể".

bimheo1989.jpeg

Bàn về ốc bị tẩm hóa chất công nghiệp, vị PGS cho rằng nếu không may ăn phải loại ốc này thì người tiêu dùng có thể phải đối diện với tình trạng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Thậm chí về lâu dài, chúng còn có thể gây nên các mắc bệnh mãn tính. Trong đó nguy cơ ung thư là điều không thể tránh khỏi.

Bởi theo ông Thịnh, hóa chất công nghiệp vốn là những loại hóa chất thường được dùng sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghệ giấy. Những loại hóa chất này đều không được cho phép để dùng trong việc xử lý thực phẩm.

Chuyên gia khuyên tốt nhất nên hạn chế tối đa việc ăn ngoài hàng quán vỉa hè vì có thể ăn phải ốc bẩn, ốc nhiễm sán, ốc cấp đông... Hoặc nếu có ăn cũng chỉ nên ăn ở những cửa hàng quen, uy tín, hiểu rõ quy trình nấu luộc. 

Tốt nhất các gia đình hãy tự mua ốc về làm, ghi nhớ đảm bảo thời gian ngâm ốc, sơ chế để loại bỏ bùn đất và ký sinh trùng để ăn ốc vừa ngon vừa sạch.

Cách sơ chế ốc sau khi mua về nhà ăn

- Để mua được ốc ngon, khi chạm tay vào vỏ ốc, mày ốc tụt nhẹ vào phía trong thì đó là con ốc còn sống và tươi. Nếu không có phản ứng gì hoặc bốc mùi khó chịu, nhiều khả năng, con ốc đó đã chết hoặc để từ lâu, không còn tươi.

- Nếu mày ốc tụt sâu vào trong thì có khả năng con ốc đó gầy yếu, không ngon. Nếu mày ốc nằm ngay miệng thì con ốc đó béo, thịt dày.

Sự thật rùng mình phía sau những bát bún ốc nóng hổi, coi chừng nhiễm sán, ngộ độc vì món 'khoái khẩu' - Ảnh 6.

- Khi chọn được ốc ngon cần ngâm vào nước vo gạo hoặc ngâm cùng con dao kim loại hoặc các dụng cụ như muôi, thìa, đũa, đĩa... để nhả hết nhớt bẩn rồi mới chế biến. 

- Khi luộc ốc để ăn chú ý luộc kỹ để ngăn chặn nhiễm ký sinh trùng, giun sán...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn