Sự thật về hải sản khô khiến kiến, ruồi không dám bâu

16:58 | 04/07/2018;
"Bằng mắt thường không thể biết hải sản khô có hóa chất hay không. Vì vậy, cho dù hải hản khô mà kiến, ruồi không dám bâu hay bẩn như thế nào thì nhìn qua cũng không thể kết luận được. Cơ quan chức năng cũng chỉ có cách duy nhất là làm các xét nghiệm chuyên sâu”, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định.
Thời gian gần đây, nhiều người thắc mắc bởi hải sản khô dù không che kín, không cho vào túi nhưng không có ruồi đậu. Tuy chưa rõ thực hư như thế nào nhưng nhiều người đã khẳng định “chỉ cần nhìn cũng biết dùng hóa chất” khiến bà nội trợ mất niềm tin, ảnh hưởng đến uy tín nhà sản xuất.
 
Ghi nhận của PNVN tại chợ Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, nhiều tiểu thương bán hải sản khô chung với hàng tạp hóa. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều tiểu thương đã cho hải sản khô như mực, tép, cá vào túi bóng buộc kín. Tuy nhiên, thi thoảng cũng có sạp hàng bỏ tép khô vào túi bóng nhưng không buộc để chào hàng.
 
Chị Hà, chủ một sạp hàng tạp hóa cho biết: Bây giờ, người tiêu dùng rất kỹ tính. Nếu cho hải sản khô ra ngoài, người mua bảo không đảm bảo an toàn nên bỏ đi. Vì vậy, tiểu thương đều cho hải sản khô cho vào túi bóng bọc kín. “Việc này vừa góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, đem lại sự tin tưởng của người tiêu dùng. Phần nữa, cũng sẽ hạn chế mùi hải sản cho xung quanh”.
 
20180701_183136.jpg
Hải sản khô bày bán không được che đậy tại chợ Cầu Lủ

Tại chợ Cầu Lủ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hải sản khô được một số chủ sạp bày ra rổ, các khay nhựa mà không cần che đậy. Chị M. chủ một sạp hàng cho biết, hải sản khô của sạp được nhập ở Quảng Ninh từ mối quen. Khi chúng tôi thắc mắc, sao không thấy ruồi muỗi đậu vào hải sản, liệu có tấm ướp hóa chất gì không? Chị Mai nói: "Chúng tôi làm sao biết được trong hải sản khô có hóa chất gì. Chúng tôi chỉ là trung gian, mua đi bán lại còn có hóa chất gì chỉ người sản xuất mới biết".

 

Cũng về vấn đề này, trước đó một đoàn giám sát về an toàn thực phẩm của HĐND TP.HCM đã đi kiểm tra tại một số chợ. Tuy nhiên, các thành viên đoàn giám sát ngạc nhiên khi không thấy ruồi, muỗi đậu vào hải sản khô. Nhiều người đặt câu hỏi, có hay chăng việc dùng hóa chất bảo quản trong quá trình chế biến, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “không biết” từ những tiểu thương.

 
PG.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng, có thể một số hộ trong quá trình chế biến hải sản đã sử dụng trichlorfon để lớp da hải sản bắt mắt hơn, nhìn tươi hơn. Hóa chất này được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp,…Do đó, khi sử dụng trichlorfon vào hải sản khô thì ruồi muỗi không dám đậu.
 
Theo PGS. Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ. Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần. “Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon mà phải bằng các xét nghiệm chuyên sâu”, PGS. Thịnh nói.
 
36381986_1776910619055514_6405422957199360000_n.jpg
Hải sản khô được bày bán tại chợ Khương Đình

Trao đổi với PNVN, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng, để xác định hải sản khô có hóa chất hay không bằng mắt thường thì không thể nhận biết được. Vì vậy, cho dù hải hản khô mà kiến, ruồi không dám bâu hay bẩn như thế nào nếu chỉ nhìn qua thì không ai kết luận được. Chỉ có cơ quan chức năng với các xét nghiệm chuyên sâu mới biết sản phẩm có an toàn hay không.

Do đó, ông Giang khuyến cáo người tiêu dùng, nếu nghi ngờ sản phẩm không an toàn thì không mua. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua hải sản khô ở những cửa hàng, siêu thị uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn