Có rất nhiều quan niệm trong việc chăm sóc sức khoẻ đường ruột chưa thực sự đúng. Trong số đó, có quan niệm còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Dưới đây là 5 quan niệm phổ biến về chăm sóc sức khoẻ đường ruột và sự thật về chúng:
Một số người cho rằng uống đồ uống trong bữa ăn có hại cho hệ tiêu hóa của bạn, có thể khiến chất độc tích tụ, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, theo quan niệm này, họ cho rằng thói quen này sẽ làm loãng axit dạ dày và làm chậm quá trình tiêu hóa.
Vậy thực hư thế nào?
Sự thật là không có bằng chứng khoa học nào cho thấy nước cản trở quá trình tiêu hóa dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngược lại, theo Healthline, chất lỏng như nước có thể giúp phá vỡ những khối thức ăn lớn, giúp chúng dễ dàng trượt xuống thực quản và vào dạ dày của bạn. Nước cũng giúp di chuyển thức ăn một cách trơn tru, ngăn ngừa đầy hơi và táo bón.
Hơn nữa, dạ dày của bạn tiết ra nước, cùng với axit dạ dày và các enzyme tiêu hóa trong quá trình tiêu hóa. Trên thực tế, lượng nước này cần thiết để phát huy chức năng thích hợp của các enzym này.
Mặc dù có lợi cho tiêu hoá nhưng trong bữa ăn bạn chỉ nên uống khoảng 240 ml nước. Uống quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là chỉ nên ăn trái cây khi bụng đói vì nó sẽ không tiêu hóa cùng với các thực phẩm khác, từ đó sẽ không bị lên men và gây ra các vấn đề khó tiêu hoá hay trào ngược axit.
Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Ăn trái cây khi bụng đói còn có thể làm tăng lượng đường trong máu. Trái cây có hàm lượng carbohydrate cao. Carbohydrate được phân hủy thành glucose, một loại đường. Khi bạn ăn trái cây, lượng đường đó sẽ được giải phóng vào máu và khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Vậy đâu là thời điểm tốt nhất để ăn trái cây?
Bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều là thời điểm tuyệt vời để ăn trái cây. Trong một số trường hợp đặc biệt, sẽ có một số lời khuyên về thời điểm ăn trái cây tốt nhất:
- Nếu bạn đang giảm cân nên ăn trái cây trước hoặc cùng bữa ăn. Trái cây giàu chất xơ sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu và hạn chế nạp thêm các thực phẩm giàu calo khác.
- Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên ăn trái cây với thực phẩm khác hoặc bữa ăn giàu protein, chất béo hoặc chất xơ để đường từ trái cây đi vào ruột non chậm hơn.
Vẫn còn tồn tại quan niệm cho rằng sử dụng các phương pháp làm sạch ruột tự làm - chẳng hạn như thuốc nhuận tràng, thụt tháo đại tràng bằng cà phê hoặc thảo dược hay bất kỳ phương pháp nào khác có thể thúc đẩy hoặc cải thiện sức khỏe nói chung.
Họ cho rằng bằng cách áp dụng các phương pháp này sẽ loại bỏ được các độc tố ra khỏi cơ thể, làm sáng da và nhiều lợi ích khác.
Vậy sự thật là gì?
Quan niệm này rất đáng lo ngại vì nếu làm sạch ruột bằng các biện pháp trên có thể dẫn đến những tác động có hại như mất nước hoặc mất cân bằng điện giải, thủng ruột, liệt ruột, gây nhiễm trùng, làm suy giảm những lợi khuẩn trong đường ruột.
Những phương pháp làm sạch ruột này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn mắc các vấn đề về thận hoặc tim.
Ngoài ra, các phương pháp trên cho rằng làm sạch ruột giúp loại bỏ độc tố. Nhưng sự thật là cơ thể rất thông minh và nó đã tạo ra một cơ chế để loại bỏ các chất thải đó là đi tiểu và đi tiêu. Ngoài hệ tiêu hoá, các cơ quan khác như gan, thận, da cũng có thể tự giải độc cơ thể, điều chúng ta cần làm là đảm bảo cho chức năng của các cơ quan này hoạt động bình thường.
Quan niệm này cho rằng có thể sử dụng giấm táo như men vi sinh thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn.
Điều này có đúng?
Đúng là giấm táo có thể làm tăng và duy trì lợi khuẩn trong đường ruột. Giấm táo cũng đã được chứng minh có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ như giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu, giảm đầy hơi.
Tuy nhiên, điều sai lầm ở đây là giấm táo không thể thay thế cho men vi sinh. Hơn nữa, sử dụng nhiều giấm táo còn có thể gây kích ứng dạ dày, tổn thương men răng, phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột. Vì vậy, giấm táo không thể sử dụng một cách thường xuyên như men vi sinh.
Có những tuyên bố rằng uống dầu ô liu có thể giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, chữa lành đường ruột, giảm cân và giúp bụng phẳng hơn. Một số người thậm chí còn cho rằng phương pháp này giúp họ giảm đầy hơi, tăng cường sức khỏe nội tiết tố và giảm mụn trứng cá.
Uống dầu oliu thực sự có tác dụng như vậy không?
Quan niệm này không hoàn toàn sai. Uống dầu oliu được cho là có tác dụng giảm táo bón, tốt cho tim mạch và xương, giảm viêm, kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng lâm sàng cho thấy uống hàng ngày sẽ giúp cải thiện các triệu chứng đường ruột hoặc kiểm soát cân nặng, ngược lại sử dụng quá nhiều dầu oliu còn gây tăng cân vì hàm lượng calo cao.
Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng dầu oliu một cách điều độ (ví dụ, không quá 1 hoặc 1/2 muỗng canh mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tim). Nấu ăn với một lượng nhỏ dầu ô liu nguyên chất và thêm nó vào nước sốt salad của bạn là những cách tuyệt vời để thu được những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn