Vòng tay thủy tinh (bangle) là một loại trang sức đặc biệt và phổ biến tại Ấn Độ. Từ Bangle có nguồn gốc từ từ "bungri" trong tiếng Hindi. Đây là món đồ trang sức truyền thống của không chỉ phụ nữ Ấn Độ mà còn ở Nepal, Pakistan và Bangladesh. Ở Bắc Ấn Độ, cô dâu thường đeo vòng tay thủy tinh vì nó đại diện cho sự hạnh phúc trong hôn nhân.
Thế nhưng, đằng sau món trang sức này là sự khắc nghiệt khủng khiếp mà chỉ công nhân làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất vòng mới thấu hiểu. Làm vòng thủy tinh là một quá trình nguy hiểm và tốn sức, công nhân thì chỉ được trả chưa đến 10 đô một ngày.
Hàng triệu phụ nữ trên khắp Ấn Độ đeo những chiếc vòng thủy tinh mỗi ngày. Vì thế mà nhu cầu sản xuất rất cao. Tuy nhiên, để làm một chiếc vòng tay thật không dễ, vì có khi phải mất hàng chục người để ra làm ra một chiếc vòng tay thủy tinh.
Thành phố Firozabad, Ấn Độ là nơi sản xuất vòng tay thủy tinh lớn nhất thế giới. Mặt hàng này còn được xuất khẩu liên tục và tạo ra doanh thu 150 triệu đô mỗi năm. Ngành công nghiệp này cần đến 500.000 thợ thủ công tại hơn 100 nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng.
Tại Satya Narayan Glass Works, các nghệ nhân tạo ra 1,2 triệu chiếc vòng tay mỗi ngày. Họ sản xuất chúng bên trong những lò nung nóng rực, công nhân đối mặt nhiệt độ cao tới 2.000 độ F.
Toàn bộ nhà máy phủ đầy các hạt thủy tinh siêu nhỏ, và các mảnh thủy tinh bị bắn ra trong quá trình chế tác có thể phá hủy thị giác của công nhân. Khói bụi thủy tinh cũng xâm nhập vào cơ thể và làm hỏng nội tạng của họ từ bên trong, thế nhưng điều kỳ lạ là chẳng có ai đeo khẩu trang. Theo Tạp chí Y sinh Pakis, có khoảng 23% công nhân đeo vòng bị viêm phế quản mãn tính.
“Các nhà máy bẩn thỉu và điều kiện tồi tệ.Công nhân phải tiếp xúc với nhiệt độ và âm thanh quá lớn”, một báo cáo cho biết.
Về quy trình, người thợ thủ công sẽ sàng lọc cát silic, nguyên liệu chính để làm vòng tay thủy tinh. Những mảnh vụn thủy tinh hoặc chai vỡ có thể được thêm vào trong quá trình để tái chế thành vòng mới. Sau 10 giờ, hỗn hợp bị nấu chảy thành dạng lỏng.
Lúc này, người ta sẽ trộn thuốc nhuộm vào để thay đổi màu sắc cho chiếc vòng. Tuy vậy, thuốc nhuộm có chứa chì, cadmium và thủy ngân, khi đun nóng thì chúng trở thành chất độc. Một lần nữa, người thợ phải hít khí độc này dù muốn hay không.
Thủy tinh nóng chảy lúc này được đưa vào một chiếc máy để cuộn lại thành hình. Người công nhân phải dùng tay không để tháo vòng ra khỏi lò, khả năng bị bỏng rất cao. Họ chọn làm việc mà không có thiết bị an toàn vì cho rằng đồ bảo hộ bất tiện và làm chậm quy trình làm việc.
Tại một số nhà máy, đồ bảo hộ còn không được cung cấp, người làm vòng không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm để giảm thiểu xác suất gặp tai nạn ngoài ý muốn.
Dưới đây là một số hình ảnh bên trong nhà máy:
Nhà máy sản xuất vòng tại Ấn Độ bị cấm sử dụng lao động là trẻ em, thế nhưng những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên vẫn xuất hiện rất nhiều trong các nhà máy.
Ước tính có khoảng 500 trẻ em được giải cứu mỗi năm khỏi các nhà máy. Năm ngoái, một đứa trẻ 17 tuổi ở thành phố Bihar qua đời khi làm việc trong một nhà máy sản xuất vòng tay bất hợp pháp. Cảnh sát nghi ngờ sức khỏe của đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng do tiếp xúc với hóa chất độc hại, hơn nữa, các em cũng không được cho ăn uống thường xuyên. Kiệt sức cộng với cơ thể nhiễm độc đã khiến em không thể trụ lâu dài được.
Tuy nhiên, người ta vẫn có cách để lách luật. Các chủ nhà máy bắt đầu có xu hướng thuê các hộ gia đình bên ngoài nhiều hơn bởi vẫn chưa có luật cấm trẻ em được “phụ giúp” cha mẹ làm vòng tại các xưởng tại gia. Có không ít đứa trẻ buộc phải từ bỏ việc học và lao mình vào công việc này. Một số mẫu phức tạp này có thể mất hàng giờ để các em hoàn thiện.
Vimal Kumar Yadav, làm việc tại Satya Narayan Glass Works, kiếm được khoảng 9 đô la một ngày. Anh nói số tiền chỉ vừa đủ để lo cho 4 đứa con đi học. Hai cô con gái của anh là Soni và Dolly, sản xuất được 100 đến 200 chiếc vòng mỗi ngày, nhưng chỉ kiếm được khoảng 1 USD trong ngày.
Một bộ 12 chiếc vòng tay có giá dao động từ $1 đến $13, tùy thuộc vào độ phức tạp của bộ. Đây là mức giá khá rẻ so với những gì người lao động phải đánh đổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn