Sự thật xung quanh lời nguyền bí ẩn, ma mị của Vua Tut

17:25 | 22/10/2018;
Một trong những đồn thổi ma mị, huyền bí đến nay khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác liên quan đến xác ướp Ai Cập, đặc biệt là xác ướp vua Tut (King Tut) cổ đại.
Vua Tut là ai?
Theo Bách khoa thư mở, vua Tut (King Tutankhamun) là một pharaon Ai Cập thuộc Vương triều thứ 18 (trị vì vào khoảng năm 1332-1323 trước Công nguyên-TCN theo bảng niên đại quy ước), trong giai đoạn Tân Vương quốc của Lịch sử Ai Cập. Ông thường được gọi theo cách thông dụng là vua Tut. Tutankhamun là con trai của Akhenaten (trước đây là Amenhotep IV). Khi còn là Hoàng tử, ông đã được biết đến với tên Tutankhaten, lên ngôi vào năm 1333 TCN, khi mới 9 hoặc 10 tuổi, với Vương hiệu Nebkheperure.
 
Sự kiện Howard Carter phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun năm 1922 gần như còn nguyên vẹn sau hơn 3.000 năm chôn tại Thung lũng các vị vua đã làm chấn động toàn thế giới. Nó đã khơi dậy lại sự quan tâm của công chúng đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại.
2.jpg
Quan tài của vua Tut được mở ra năm 1922

 

Tháng 2/2010, qua xét nghiệm ADN khẳng định ông là con trai của Akhenaten (xác ướp KV55) với một người em gái và cũng là vợ của Akhenaten (xác ướp KV35YL), hiện vẫn chưa xác định được danh tính và được biết với tên gọi là Quý bà trẻ tuổi, xác ướp được tìm thấy trong ngôi mộ KV35.
 
Đến nay, còn nhiều bí ẩn liên quan đến xác ướp vua Tut như tại sao người ta lại đeo mặt nạ vàng cho ông, hay chó bỗng dưng hú vang đúng thời điểm ông qua đời hoặc hiện tượng rắn hổ mang trả thù những con chim màu vàng nhỏ... Nhưng ma mị hơn là lời nguyền của vị vua chết trẻ này, nó đã được kinh đô điện ảnh Hollywood dựng thành phim. Tin hay không tùy ở mọi người nhưng lời nguyền của xác ướp vẫn đeo đẳng hậu thế mà không hề có bất kỳ phán xét nào.
 
Những thêu dệt xung quanh lời nguyền
Người Ai Cập cổ đại không có khái niệm hầm mộ có lời nguyền?
 
Rất nhiều người cho rằng lời nguyền xác ướp là một phần của thần thoại Ai Cập cổ đại, rằng lời nguyền ra đời là để ngăn ngừa nạn đào bới mộ để tìm báu vật. Nhưng trong thời đại của vua Tutankhamun thì không có khái niệm nào liên quan đến “lời nguyền”. Chỉ có khoảng 1% dân số Ai Cập thời kỳ đó có thể đọc được chữ tượng hình và cũng không ai được dạy cách đào mộ lấy của cải.
3.jpg
Người Ai Cập cổ đại không có khái niệm lời nguyền xác ướp

Tạp chí National Geographic đã trích dẫn nghiên cứu của nhà Ai Cập học Dominic Montserrat cho biết, rất có thể những người xây dựng lăng mộ cho các vua chúa đã tuyên truyền lời nguyền này nhưng lại không có bằng chứng. “Không có nguồn gốc cho thấy người Ai Cập cổ đại có khái niệm lời nguyền xác ướp”, Montserrat khẳng định.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu sâu về lịch sử Ai Cập, người ta đã phát hiện thấy dường như có 1 hoặc 2 ngôi mộ có sự trừng phạt của thần thánh đối với những kẻ cướp mộ. Các ngôi mộ xây theo kiểu mastaba đời đầu (Mastaba hay “Ngôi nhà vĩnh hằng”), loại mộ cổ có hình chóp cụt, được xây bằng gạch bùn lấy từ sông Nin.
 
Những ngôi mộ kiểu này là nơi chôn cất của những nhân vật hoàng gia và các quý tộc từ thời kỳ Sơ triều đại đến thời kỳ Cổ Vương quốc, có niên đại trước vua Tut tới 15 triều đại được xem là những lời nguyền chết chóc. Tuy nhiên, thực sự nó không nguy hiểm như đồn thổi bởi phần lớn được những người hiện đại phát hiện ra một cách ngẫu nhiên.
 
Có bao nhiêu người trở thành nạn nhân của lời nguyền xác ướp?
Theo Học viện Nghiên cứu kiêm bảo tàng Smithsonian của Mỹ, đến nay đã có 11 cái gọi là nạn nhân của lời nguyền, nhưng hầu hết không phải những cái chết bí ẩn, ngoại trừ bá tước người Anh Lord Carnarvon, người đầu tiên và nổi tiếng nhất liên quan đến mộ cổ và xác ướp Ai Cập.
 
Theo Smithsonian, Carnarvon là nhà tài phiệt giàu có, tài trợ cho cuộc thám hiểm của Howard Carter đã bị muỗi đốt sau đó bị nhiễm trùng. Muỗi đốt thực sự không phải là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhưng người ta đồn rằng nó là một phần của lời nguyền. Do ông bị nhiễm trùng nên dẫn đến ngộ độc máu. Thời gian Carnarvon qua đời cũng đáng suy ngẫm, tử vong xảy ra chỉ hai tháng sau khi hầm mộ của vua Tut được mở ra.
4.jpg
Bá tước người Anh Lord Carnarvon

 

Cũng theo Smithsonian, thực tế thì sức khỏe bá tước Carnarvon đã suy giảm hơn 20 năm, do đó khi muỗi đốt và qua đời nhưng lại mang tính logic đến việc khai quật hầm mộ. Cái chết của Carnarvon không phải là trường hợp duy nhất có mối liên kết đến ngôi mộ mà trong buổi mở hầm mộ với 58 người có mặt, 50 người vẫn còn sống sau 12 năm.
 
Có cả lời nguyền bằng văn bản?
Một thông tin khác, rằng Carter và các cộng sự của ông đã phát hiện thấy một lời nguyền bằng văn bản trong một phòng nhỏ của hầm mộ. Lời nguyền đã được khắc vào một chiếc bảng đất sét với nội dung, đại ý: “Cái chết sẽ giết đối phương bằng đôi cánh của nó với bất cứ ai làm rối loạn sự bình yên của pharaoh”.
5.jpg
Lời nguyền bằng văn bản được tìm thấy trong một hầm mộ chỉ là giả thiết đồn thổi của dư luận
Theo trang tin Skeptoid của Mỹ, lỗi của Carter là không đưa ra bất kỳ thông tin nào về việc có hay không văn bản nói trên hay nó bị thất lạc, bởi chưa hề có ai nhìn thấy nó bao giờ. Với lời đồn nói trên, nhiều người tin rằng sự vắng mặt văn bản lời nguyền đất sét là không muốn làm phiền người dân địa phương.
 
Nhưng điều này cũng không có cơ sở vì không có bằng chứng cho thấy Carter tin vào lời nguyền bởi ông là một nhà khảo cổ học. Điều này đã được minh chứng sau nhiều thế kỷ, không ai bị chết liên quan đến hầm mộ mặc dù đã có nhiều hầm mộ được khai quật, nghiên cứu và đưa ra trưng bày.
 
Hầm mộ chứa chất độc?
Theo Smithsonian, ngoài những gì hư cấu người ta còn đồn rằng trong các mộ cổ Ai Cập còn chứa chất độc, giống như trong mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc sau này. Rằng, pharaoh bị phong ấn trong mộ, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh được giữ kín bên trong và sau hàng ngàn năm sẽ giải phóng độc tố nếu ai đó xâm phạm vào bên trong.
 
Theo National Geographic, các phòng thí nghiệm đã tìm thấy các loại nấm mốc đang phát triển trên các xác ướp Ai Cập và trong các bức tường hầm mộ, kể cả tác nhân có thể gây chảy máu và gây nhiễm trùng phổi. Điều này có thể giải thích cho trường hợp tử vong của George Jay Gould (người Pháp) đã chết vì viêm phổi ngay sau khi thâm nhập vào ngôi mộ.
6.jpg
Hầm mộ Vua Tut không có chất độc nguy hiểm mà chỉ có nấm mốc và vi khuẩn

 

Nhưng hầu hết các “nạn nhân” khác lại không do vi khuẩn mà do ung thư, bị giết, tự sát, hoặc tai nạn nên việc hầm mộ có chứa chất độc chỉ là lời đồn không có căn cứ. Ví dụ như trung sĩ Richard Adamson, người bảo vệ phòng chôn cất của vua Tut trong 7 năm và sau đó tiếp tục sống thêm 53 năm nữa.
 
Trang tin Skeptoid nhấn mạnh, nếu trong ngôi mộ có độc tố thì có thể là do chính xác ướp từng mắc bệnh trước khi qua đời để lại. Đến nay đã có hàng triệu người đến thăm các ngôi mộ cổ mà không ai bị phơi nhiễm độc tố từ xác ướp gây ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn