Sự thay đổi đến ngỡ ngàng của bà lão U70

05:00 | 15/06/2018;
Đối với bà, cuộc đời chỉ còn từ nhà ra sân, vào bếp, lên nhà. Ông 28 năm nằm một chỗ nhưng da dẻ lúc nào cũng hồng hào, sạch bóng, chẳng bao giờ có một vết bầm, vết tím. Ngày ông ra đi, họ hàng, xóm giềng bảo đến tiễn một con người hạnh phúc tận lúc chết. 
Ông Minh nằm liệt giường sau tai biến năm 47 tuổi. May mà gia đình có 4 suất đất mặt đường cho thuê cửa hàng tạp hoá và vật liệu xây dựng ở trung tâm thị xã đủ nuôi 4 miệng ăn mà không có ai đi làm. Bà Nguyệt, vợ ông, đã dành 28 năm chăm sóc chồng vẹn tình.
 
Hình ảnh bà lúc nào cũng te tái, đi đâu làm gì cũng nhanh như máy để mau về nhà với ông nổi tiếng cả thị xã. Bà thể trạng to khoẻ, ông mỏng manh, bé nhỏ nên mọi người cũng nhớ mỗi lần phải cấp cứu cho ông, bà cõng trên lưng chạy phăm phăm. Ông nóng tính, cộng thêm bệnh tật không làm được mọi việc theo ý mình nên hay quát bà nhưng bà một mực nhẫn nhịn, gắn với ông như hình với bóng.
 
 
Mấy năm sau gặp lại bà trong bữa cơm thân mật mừng thọ 70, nhiều người ngỡ ngàng. Thời trang quen thuộc là bộ quần áo lanh mềm rộng với chiếc nón lá không rời đầu, tóc búi vội vàng được thay bằng tóc ngắn uốn lượn sóng, dép cao gót, váy lụa thướt tha tôn lên dáng đi uyển chuyển. Không còn cái sấp ngửa, chả bao giờ kịp thời gian nói hết một câu trọn vẹn như trước.
Ảnh minh họa

 

Thời gian đầu, bà thương nhớ ông nên lúc nào cũng âu sầu. Một người bạn thấy vậy rủ bà tham gia câu lạc bộ bơi cho khuây khoả. Thế là bà đi bơi. Mưa cũng như nắng, mùa đông cho chí mùa hè, ngày nào bà cũng dành cả tiếng vẫy vùng trong nước. Cơ thể săn chắc, các chuyển động dứt khoát, da dẻ mịn màng. Nhiều lúc, chính bà cũng không nghĩ mình lại thực sự thảnh thơi, thư giãn như thế này.
 
Bơi một thời gian thì bà quen thêm nhiều người bạn. Họ rủ bà tham gia câu lạc bộ khiêu vũ. Thế là bà đi nhảy. Âm nhạc, những bước chân như đã quen thuộc với bà từ thuở nào. Cộng thêm sức khoẻ dẻo dai, người mềm mại nhờ bơi, bà khiến cho vũ sư và các bạn cùng học ngạc nhiên.
 
Những cú phăng 3 vòng, những động tác uốn dẻo sát đất bà vẫn thực hiện ngon lành, không một chút bối rối. Mỗi tháng cả nhóm lại rủ nhau lên sàn 1-2 lần, bà có thể nhảy liền 3-4 bản mà không phải thở dồn. Âm thanh cỡ đại ở đây cũng chẳng làm bà váng đầu, khó chịu.
 
Một lần, cả nhóm đi hát karaoke, lại “khai quật” thêm giọng ca cao vút đầy sung sức của bà. Bạn bè đã tổng hợp hơn 20 bài bà hát “hay quên sầu” ghi thành một đĩa CD tặng cả nhóm. Những bài ca Cách mạng hừng hực khí thế vang lên không biết mệt mỏi trên những hành trình cả nhóm ngồi xe ô tô đi lễ chùa hay du lịch.
 
Thêm một niềm vui của nhóm 3C (chơi chờ chết) là mỗi năm chụp 1-2 bộ ảnh kỷ niệm. Các phim trường quanh Hà Nội các bà đều đã đặt chân đến. Ngay cả những nơi bọn trẻ hay đến check in như sen Hồ Tây, Hoàng thành Thăng Long, phố bích hoạ, vườn Bách thảo..., các bà cũng đã dành thời gian khám phá. Bà khiến cả nhóm đều choáng vì luôn tạo dáng như người mẫu, vẫn khoe được vóc dáng eo thon.
 
Bây giờ, mỗi lần có việc họ, bà đều là nhân vật “hoạt náo” trẻ trung. Mọi người đều bị cuốn vào các trò của bà, từ hát hò, nhảy nhót đến kể chuyện tiếu lâm. Sau những giây phút ấy, dường như mọi người dễ dàng chia sẻ với nhau hết mọi chuyện trong cuộc sống. Và bà thường bảo “Phải tranh thủ sống cho hết thời gian được ban tặng.
 
Mấy chục năm chăm chồng, tớ đã bỏ quên những giây phút sống cho mình, chăm sóc và nâng niu chính mình. Mỗi ngày 1-2 tiếng tập thể dục cho tỉnh cơn buồn ngủ, hát hò cho thư giãn con người, nhảy múa cho đỡ mỏi xương khớp, massage cho máu huyết lưu thông. Thế là tối ngủ ngon, ngày hoạt bát, làm gì cũng không biết mỏi, gặp chuyện gì khó khăn cũng nghĩ cách vượt qua hết”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn