Ở Việt Nam, Nam Định được xem là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó Phủ Dầy là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này.
Phủ Dầy là tên gọi của quần thể di tích tâm linh của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh ngay sát chợ Viềng. Phủ Dầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy - xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình nên đã để lại một chiếc giày ở trần gian trước khi về thượng giới. Hay có huyền thoại: Vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Còn khi gọi là Phủ Dầy vì chính nơi này có món bánh dày nổi tiếng, lại có người cho rằng, Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dày trước cửa phủ. Cho tới khi Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Dầy.
Trong tổng số 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy, có 3 công trình liên quan chặt chẽ tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.
Phủ Tiên Hương trong quần thể di tích Phủ Dầy. |
Phủ chính Tiên Hương là một công trình đẹp. Trước phủ là một giếng tròn giữa có cột cờ rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là 3 tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và 2 cầu vượt đều bằng đá. Điện thờ chính thờ các vị Thánh Mẫu.
Phủ Vân Cát cách phủ chính không xa, phía trước là hồ bán nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi, trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế. Phủ nằm giữa đền làng và chùa Long Vân cùng chung một sân lớn, tạo thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu - Thần - Phật.
Phủ Vân Cát |
Qua một số tư liệu trên thì Phủ chính Tiên Hương chính là ngôi phủ tại làng An Thái được xây dựng từ giữa thế kỷ 17 và là nơi thờ chính Mẫu Liễu Hạnh, được các triều đình phong kiến công nhận và nhiều triều đã phong thần cho chủ thần của phủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Vân Cát là phủ xây sau và cũng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Lăng Chúa Liễu ở bên cạnh phủ chính chiếm một khu vực riêng hình chữ nhật. Toàn bộ công trình đều xây bằng đá, chạm trổ đẹp. Giữa lăng là một ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh chừng 1 mét.
Lăng Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy |
Năm 1975, Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có Quyết định công nhận nghi lễ chầu văn - hầu đồng ở tỉnh Nam Định và Hà Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Rước kiệu trong lễ hội Phủ Dầy |
Múa rồng tại lễ hội Phủ Dầy |
Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng lễ hội Phủ Dầy là lớn hơn cả và độc đáo hơn cả. Lễ hội kéo dài nhiều ngày và có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên ‘bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh’.