Chúng tôi "đường ai nấy đi" đã lâu (Ảnh minh hoạ) |
Hợp đồng giản dị thế này: bên A (nhà buôn) sẽ chịu toàn bộ kinh phí cho bên B (tôi) mua sách trong thời hạn 1 năm (có thể gia hạn hoặc không tùy thuộc vào chất lượng công việc của bên B) với điều kiện tôi đọc xong bất cứ cuốn nào (hay) thì có nghĩa vụ tóm tắt lại cho bên A một cách ngắn gọn, đơn giản bằng lời (qua điện thoại) và văn bản (qua email). Quên chưa nói thêm rằng, chúng tôi bây giờ kẻ Bắc người Nam. Nhớ với thương hai đầu dằng dặc.
Tôi nghe đến chuyện có người sẵn lòng bỏ tiền cho mình mua sách thì sáng mắt lên, hỏi lại lập tức:
- Có thể mua bất cứ cuốn nào chứ?
Trả lời: Được!
Lại hỏi tiếp:
- Kể cả truyện chưởng, truyện tranh và truyện khiêu dâm chứ?
Lại “được” tiếp!
Thói quen đọc sách đã nhiều lần cứu vớt tôi. Ít ra, như bạn bè tôi tổng kết, nếu không có những tiểu thuyết gia dở hơi bịa đặt gánh đỡ hộ, có lẽ lỗ tai họ đã nhiều lần “nát bét” vì những thất vọng, thất tình, đổ vỡ... liên tiếp của tôi. Mỗi lần đau khổ, như việc chia tay với nhà buôn chẳng hạn, chu trình “đứng dậy” của tôi khá giống nhau: khóc một trận kinh hồn trong phòng riêng (hoặc với bạn gái) rồi sau đó chìm đắm liên miên trong chocolate và sách. Một dạo, status của tôi nhận được rất nhiều cảm thông, chia sẻ, kể cả gạ gẫm vì trích dẫn một câu nói không mấy đặc biệt của Jean Marc Parisis: “Vào lúc nửa đêm, tôi lên giường, đầy khổ tâm. Tôi gặp lại Balzac hay Chateaubriand. Tôi ngủ trong những cánh tay ấy. Những người đã chết. Những người sống đang ở đâu?”.
Thế là đều đặn từ đó, thay vì đọc sách cho bản thân, tôi thành người đọc sách “thuê” cho một người khác. Túi tôi nặng thêm vì phải mang theo hai cái bút đánh dấu. Một cái màu xanh, một cái màu cam. Màu xanh để gạch dưới những chi tiết quan trọng, màu cam cho những tình tiết hài hước. Quá trình tái bản miệng và email không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì thời gian của chúng tôi khá chênh lệch. Đâu được nửa năm thì nhà buôn phải ra nước ngoài có việc. Thế là lập cho tôi một trang web riêng với điều kiện tôi chỉ để cho mình họ truy cập. Việc của tôi là viết lại những tóm tắt thành các entry. Độ dài mỗi bài không được quá 700 ký tự. Bắt buộc bài phải có title và lời dẫn: viết về cuốn nào, của ai, nhà xuất bản nào, in năm nào... Tôi cần mẫn làm theo, cảm giác như sống lại thời gian học chuyên Văn. Ngày ngày đều đặn nộp bài cho thầy chấm điểm. Bài nào thích, nhà buôn vote một like. Dĩ nhiên, có bài tôi cũng đau đớn mà nhận những comment chẳng mấy nể tình. Phù phiếm chẳng hạn. Hoặc Tào lao. Nhảm... Thi thoảng, vào những ngày khá bất ngờ, tôi vẫn nhận được chocolate hàng cực phẩm để ăn kèm, chỉ với một lời nhắn đơn giản: phần thưởng cho những bài like!
Thư qua, tin lại, hợp đồng 1 năm sắp hết. Số entry của tôi đã kéo sang trang thứ 103, có thể in thành sách được rồi. Tôi cũng không nghĩ trong 365 ngày, mình đọc được nhiều như thế. Đinh ninh công việc trôi chảy thì hợp đồng sẽ tiếp tục. Nhưng đến khi gia hạn, tôi lại chỉ nhận được "I will always love you" của Whitney Houston. Thế là cả buổi chiều hôm ấy, tôi đóng chặt cửa phòng, mồm ung úng ngậm chocolate, tai nghe đến ê cả điệp khúc "And I will always love you/ I will always love you/ I will always love you/ I will always love you/ You, darling/ I'llalways love you".
Sự trở lại có trật tự (Ảnh minh hoạ) |
Ngay cả khi W.Houston đã gào đến khản cả giọng, tôi vẫn ngồi ngây ngô như người mất hồn. Tôi nhớ đến câu chuyện “làm thịt ếch” mà khi còn mặn nồng, nhà buôn đã có lần kể cho nghe. Rằng muốn giết ếch một cách thật êm ái thì không nên bỏ nó vào nồi nước sôi. Bởi vì nó sẽ lập tức nhảy ra và chạy thoát. Thay vào đó, người ta bỏ nó vào nồi nước lạnh rồi đun nóng dần. Con ếch thấy mát, rồi ấm áp dễ chịu nên nằm yên rồi chết một cách có trật tự trong đáy nồi.