Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 20/5, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với công nhân khu công nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng cho rằng, thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân vì thế “chúng ta củng cố, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam mạnh về số lượng, tốt về chất lượng”, có cuộc sống tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của một công nhân thuộc tỉnh Hưng Yên về vấn đề bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã bàn thảo và đồng thuận cao về chính sách cải cách tiền lương; theo đó định hướng, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương sẽ dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết: Doanh nghiệp, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được tự chủ quyết định chính sách tiền lương, trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động; trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu “Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi về tiền lương, cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động”.
Công nhân thuộc Công ty Canon Việt Nam giãi bày với Thủ tướng về đời sống công nhân còn khó khăn, chưa yên tâm bởi nhà ở không có, con không có trường học, trong khi mức lương của công nhân chỉ có 5 triệu đồng, cuộc sống rất eo hẹp, rất mong Chính phủ có phương án hỗ trợ nhà, trường học cho con em công nhân.
Giải đáp những lo lắng của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “các địa phương không được phân biệt người bản địa hay người nhập cư. Con cái họ phải có nơi học, phải được hưởng chính sách như người bản địa”. Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình xây dựng khu thiết chế cho công nhân, mục tiêu trọng tâm là xây dựng nhà ở, trường học cho con em công nhân lao động.
Liên quan tới nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố bước đầu xây dựng được một số căn hộ mẫu cho công nhân lao động tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Đồng thời, Hà Nội giao cho huyện Đông Anh mở rộng các trường mầm non, nhận trông con em công nhân lao động. Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng các tòa nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Khu công nghiệp Quang Minh trong tháng 8/2018; giúp đời sống công nhân đỡ khó khăn hơn.
* Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội: Hiện nay, Hà Nội chỉ có 3/9 khu công nghiệp đang hoạt động là có nhà ở cho công nhân. Chỉ tính riêng trong 9 khu công nghiệp này đã có tới 150.000 công nhân, nhưng mới chỉ có 19.650 chỗ ở cho công nhân lao động, đáp ứng được hơn 10% nhu cầu nhà ở cho công nhân. Còn lại gần 90% công nhân, người lao động vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, đặc biệt là nhà trẻ, trường mầm non còn ít, chưa thực sự giúp công nhân yên tâm lao động. |