Theo Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện.
Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải "có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm". Nội dung này được đưa ra trong bối cảnh hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Trong khi đó, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp…
Theo dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) được công bố, quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định rõ hơn.
Cụ thể, theo dự thảo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Đặc biệt, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Dự thảo cũng quy định, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Có một thực tế là thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Có thể kể đến sự việc hồi tháng 9/2023, nghệ sĩ Cát Tường đã phải lên tiếng thừa nhận nói quá công dụng khi cho rằng, một sản phẩm sữa có thể thay thế thuốc trị bệnh tiểu đường.
Trước đó, vào tháng 6/2021, nghệ sĩ Hồng Vân cũng đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì quảng cáo "thổi phồng" công dụng của viên sủi thảo dược…
Chính vì thế, đề xuất siết quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội được nhiều người dân ủng hộ. "Người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Không ai cấm họ quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, trước khi nhận quảng cáo, họ phải có kiến thức để xem xét thật kỹ về sản phẩm sắp giới thiệu với mọi người.
Bên cạnh đó, tần suất quảng cáo cũng nên hạn chế. Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ quảng cáo cho 2 -3 nhãn sữa mà cái nào cũng nói là "tốt nhất", khiến nhiều người rất hoang mang. Vì thế, cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm cũng như chế tài xử phạt để ngăn tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bừa", anh Ngô Văn Thịnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, trong một thời gian dài, một bộ phận giới nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng đã làm đại diện thương hiệu và đứng ra quảng cáo cho nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Cũng từ hoạt động này mà nảy sinh rất nhiều vấn đề vi phạm pháp luật như: Quảng cáo một đường và công dụng sản phẩm một nẻo; quảng cáo quá mức về tác dụng của sản phẩm; quảng cáo không tuân thủ điều kiện, doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm…
Những vấn đề này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về đạo đức nghệ sĩ. Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, cơ quan chức năng nên quy trách nhiệm rõ ràng cho nghệ sĩ, diễn viên nếu nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo mà không tìm hiểu kỹ các loại sản phẩm quảng cáo và nội dung mà mình quảng cáo, tránh tiếp tay cho doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo ông Đồng, phải quy trách nhiệm bồi thường; đồng thời cơ quan quản lý cũng phải yêu cầu nghệ sĩ, diễn viên có nội dung quảng cáo vi phạm cải chính thông tin và áp dụng các chế tài cấm sóng, cấm diễn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, theo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành ngày 13/12/2021.
"Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng một bộ phận nghệ sĩ vi phạm lĩnh vực quảng cáo sản phẩm. Ngoài ra cũng cần xem xét việc nghệ sĩ quảng cáo cho doanh nghiệp, các hoạt động này có nộp thuế đầy đủ hay không để tiến hành truy thu tiền thuế dành cho các hợp đồng quảng cáo giữa nghệ sĩ và doanh nghiệp, nhằm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về thuế", ông Đồng phân tích.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, "thổi phồng" công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, theo ông Đồng, đây là hành vi vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 2 Điều 13 của Luật Quảng cáo năm 2012.
Theo đó, người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt số tiền lên đến 80 triệu đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi đối với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.
"Trường hợp nếu nghệ sĩ, diễn viên đóng trong các quảng cáo sai sự thật mà họ không biết, không nhận thức được đây là những mặt hàng không có công dụng như vậy thì không vi phạm.
Tuy nhiên, nếu họ biết, nhận thức được các sản phẩm đang được quảng cáo "lố", sai sự thật mà vẫn nhận lời đóng thì sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp luật, đồng thời bị đánh giá về khía cạnh đạo đức", ông Đồng nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn