Sau nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại phiên thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại diện cơ quan soạn thảo của Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đăng đàn trả lời, giải trình một số vấn đề.
Theo bà Thanh Trà, có 3 nguyên tắc được cơ quan soạn thảo thực hiện khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng lần này. Thứ nhất, bà Trà cho rằng việc sửa đổi luật lần này đã có diện bao phủ rất rộng, cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội; tập thể, cá nhân, gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, làm thế nào để có thể đảm bảo bao trùm, bao quát được tất cả những đối tượng này cũng là một vấn đề rất lớn đối với cơ quan soạn thảo.
"Nguyên tắc đầu tiên mà Ban soạn thảo chúng tôi quán triệt rất rõ và thể hiện rất đồng bộ, đó là phải đảm bảo được tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo ra được động lực mới cho thi đua, khen thưởng" – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Nguyên tắc thứ hai theo bà Phạm Thị Thanh Trà là phải đảm bảo được tính kế thừa và đổi mới, kế thừa những điều, khoản, những nội dung, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh rất hợp lý, có sức lan tỏa, đã có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu.
Nghiên cứu để đổi mới nhưng vấn đề xuất phát từ thực tiễn, hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, v.v..
"Đặc biệt là hướng về cơ sở, khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo"- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Nguyên tắc thứ ba là, phải đảm bảo được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Trong thi đua thì có các danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua.
"Trong sửa đổi luật lần này có một vấn đề chúng tôi rất quan tâm, đó là hết sức chú trọng để đảm bảo diện bao phủ rộng nhất thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng và có thể nói một mặt nào đó còn tạo ra sự hình thức trong khen thưởng. Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh rất rõ là thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó. Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng, công trạng, thành tích và chú trọng khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước, cho người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác chiến đấu".
Theo nguyên tắc này, dự thảo Luật đã điều chỉnh, bổ sung loại hình khen thưởng, luật hiện hành chỉ có 5 loại hình khen thưởng nhưng cũng chưa đầy đủ và chưa rõ, lần này đã đưa ra 6 loại hình khen thưởng gồm có khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng thành tích cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại.
"Tuy nhiên, trong quá trình tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để làm sao đảm bảo quán triệt được đầy đủ nguyên tắc này một cách rõ hơn" – Nữ Bộ trưởng cho hay.
Liên quan đến danh hiệu "Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang" đang nhận ý kiến khác nhau, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu vấn đề này và báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội cho chủ trương để tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội tới đây.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn