1001 nỗi lo của phụ huynh
Ở ngoại thành Hà Nội với đa số phụ huynh làm nông nghiệp, chưa có điều kiện cho con tham gia uống sữa và nhận thức chưa đồng đều, nhưng hiện nay ở trường Mầm non Sài Sơn A (Quốc Oai, Hà Nội), tỉ lệ trẻ tham gia chương trình sữa học đường (SHĐ) đạt 90%. Mặc dù vậy, những phụ huynh cho con uống vẫn băn khoăn về khâu an toàn thực thực phẩm khi trẻ uống sữa ở trường. Bà Bà Đào Thị Thanh Thảo, Quản lý trường Mầm non Sài Sơn A rất quan tâm đến khâu an toàn thực phẩm khi trẻ tham gia uống sữa, để phụ huynh yên tâm hơn khi cho con em mình tham gia chương trình SHĐ.
Tham gia Tọa đàm “Hành trình sữa học đường an toàn - hiệu quả” do Báo PNVN tổ chức ngày 15/3/2019, PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng phòng Dinh dưỡng Học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho cả phụ huynh và đại diện các trường.
Trước đây, các phụ huynh chỉ để ý đến trẻ em dưới 5 tuổi mà không hề biết rằng, còn một giai đoạn nữa có thể giúp trẻ phát triển chiều cao, đó là giai đoạn tiền dậy thì. Đây là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao. Tuổi dậy thì ở bé gái là từ 12 đến 16 tuổi, còn tuổi dậy thì ở bé trai là 14 đến 18 tuổi. Trước giai đoạn này 1 - 2 năm, trẻ có thể có sự tăng vọt về chiều cao, thậm chí có thể cao thêm 10 cm/năm.
Muốn đạt được sự tăng trưởng tốt này thì chế độ ăn từ mẫu giáo đến tiểu học rất quan trọng. Muốn phát triển chiều cao thì phải có đủ vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, trong Quyết đinh 1340 của Thủ tướng Chính phủ về SHĐ nêu rõ, sữa học đường có bổ sung thêm 3 loại vi chất gồm Vitamin D, canxi, sắt. Đây là những loại vi chất đang còn thiếu phổ biến ở học sinh. Viện Dinh dưỡng trước khi đưa ra các tiêu chuẩn bổ sung vi chất cho SHĐ đã có nghiên cứu cụ thể trong nhiều năm.
Theo Quyết định của Bộ Y tế, SHĐ phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung về sữa và được bổ sung thêm vi chất cần thiết. Tất cả các sản phẩm khi lưu hành trên thị trường đều phải công bố các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm với Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế. Mỗi lô sản phẩm đều phải được xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh, các chỉ tiêu hoá học quan trọng, đảm bảo chất lượng an toàn thì mới được lưu hành trên thị trường. Với SHĐ, hạn sử dụng phải còn ít nhất 1/2 thời hạn mới được đưa vào trường học. Vì thế, câu chuyện về an toàn đảm bảo vệ sinh SHĐ hoàn toàn có thể yên tâm”.
Một phụ huynh có 2 con đang học trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng băn khoăn vì uống sữa lúc ăn hải sản dễ gây đau bụng, vậy khi trẻ uống sữa ở trường, bếp ăn có điều chỉnh thực đơn cho học sinh không?
Theo PGS.TS Nhung, ở Nhật bản, trưa nào, học sinh cũng được ăn cá, tôm. Trong khi đó, học sinh Nhật Bản cũng uống SHĐ hàng ngày ở trường. Thực tế ở các trường học Việt Nam, SHĐ được uống vào bữa phụ. “Các em ăn cơm sớm từ trưa, khoảng 2-3 tiếng sau mới uống sữa, cách vài tiếng nên phụ huynh cũng không phải lo lắng về sự tương tác món ăn hải sản với uống sữa.”
Phụ huynh nên cho con uống bao nhiêu sữa mỗi ngày
Phụ huynh Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) thắc mắc, SHĐ có khác với sữa bán trên thị trường không? Trẻ nên uống bao nhiêu sữa mỗi ngày?
“Nhằm cải thiện chiều cao của trẻ, thành phần của SHĐ cũng giống sữa trên thị trường nhưng được bổ sung thêm 3 loại vi chất canxi, sắt, Vitamin D”- PGS.TS. Bùi Thị Nhung thông tin- “Năm 2016, chúng tôi đã xây dựng khuyến nghị sử dụng sữa. Trẻ em 3-5 tuổi là 4 đơn vị sữa/ngày, với 3 sản phẩm: Sữa chua, phomai, sữa dạng lỏng; trẻ tiểu học: 4,5 đến 6 đơn vị sữa/ngày cũng với 3 sản phẩm sữa/ngày. Sữa chỉ là một thực phẩm, phụ huynh vẫn nên cho trẻ ăn đa dạng các loại sản phẩm khác.”
Có mặt xử lý sự cố trong 60 phút
Ông Lê Văn Đức, Trưởng bộ phận Truyền thông cộng đồng, Công ty CP Sữa Việt Nam- Vinamilk, nhà cung cấp sữa, khẳng định: Vinamilk hết sức chú trọng đến từng quy trình sản xuất sữa như thu mua sữa, đến đóng gói bao bì và vận chuyển sản phẩm. Ở từng khâu này, chúng tôi đều có những kiểm tra về chỉ tiêu vi sinh, các chỉ tiêu hoá học quan trọng, đảm bảo chất lượng an toàn
“Chúng tôi đã phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường tổ chức các buổi tập huấn về cách thức vận chuyển sữa, bảo quản sữa, cách uống sữa thế nào… để đảm bảo an toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng rà soát cơ sở vật chất, vận hành thử mạng lưới, kho bảo quản ở các trường học, nhóm lớp, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để chương trình được triển khai. Chúng tôi cũng có những cam kết với Sở GD-ĐT Hà Nội, nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong quá trình trẻ uống SHĐ, sau khi tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, chúng tôi sẽ có mặt ngay trong vòng 60 phút (trong giờ hành chính), trong vòng 120 phút (ngoài giờ hành chính) để xử lý sự việc. Trong 10 năm qua, Vinamilk tự hào vì chưa ghi nhận sự cố nào về an toàn sản phẩm”.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ
Rất nhiều phụ huynh tham gia tọa đàm lo lắng đến vấn đề xử lí môi trường sau khi học sinh uống sữa như vỏ sữa, ống hút... thế nào? Ông Lê Văn Đức cho biết, trong chương trình phối hợp triển khai với Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi học sinh uống xong, chúng tôi đã hướng dẫn các em xếp lại cho gọn, không chiếm diện tích, không gây ô nhiễm môi trường. “Việc gấp hộp sữa tạo thành những mô hình còn giúp các em phát triển thêm những kỹ năng sống và được vui chơi. Vỏ hộp đó được bỏ vào thùng rác, hoặc bỏ vào thùng rác vô cơ để tái chế được. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để trong tương lai có thể thu gom lại vỏ hộp sữa để tái chế. Còn hiện tại, bước đầu là tính đến phương án gọn, sạch sẽ, hợp vệ sinh”.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến cũng cho biết, đến các trường ông cũng quan tâm xem vỏ hộp SHĐ có bị vứt lung tung không bởi rất lo sữa thừa chảy ra, ruồi sẽ đến, kiến sẽ bâu. Tuy nhiên, các trường đều hướng dẫn học sinh xếp gọn sau khi uống.
Đại diện của Vinamilk cũng hào hứng chia sẻ, trong tương lai, khi chương trình SHĐ triển khai ổn định, có thể tổ chức những ngày hội SHĐ, những chương trình vui chơi… cho học sinh.
Bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó ban Gia đình Xã hội, Hội LHPNVN: SHĐ là chương trình nhân văn và thiết thực, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. 2019 là năm an toàn cho phụ nữ, trẻ em, hướng đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em ở trong gia đình, ngoài xã hội… Tăng cường vai trò của Hội LHPN trong việc giám sát chương trình SHĐ, mong đồng hành cùng các đơn vị liên quan, hướng đến mục tiêu đảm bảo sự nhân văn của chương trình. Thực hiện tốt vai trò của các cấp hội trong việc giám sát để đảm bảo an toàn và đảm bảo quyền lợi thiết thực nhất cho trẻ bởi đầu tư cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai. |