Sữa mẹ đặc hay loãng mới tốt cho con?

13:43 | 09/06/2022;
"Màu sữa mẹ như thế nào là tốt? Sữa mẹ màu vàng có tốt không?" - là những câu hỏi mà các chị em bỉm sữa hay thắc mắc trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Sữa mẹ màu gì?

Nhiều chị em cho rằng, sữa mẹ chỉ có một màu. Nhưng trên thực tế, qua từng giai đoạn nuôi con, thực phẩm mẹ ăn hay loại thuốc mẹ uống cũng đều ảnh hưởng tới màu sắc sữa mẹ. Thậm chí, đôi lúc sữa mẹ còn có màu nâu hoặc rỉ sét do có lẫn máu. Sữa mẹ sẽ có những màu sắc khác nhau mà chỉ bà mẹ đang cho con bú mới hiểu rõ nhất.

Sữa mẹ có màu vàng, vàng ruộm, vàng đục, cam

Theo các bác sĩ, sữa mẹ có màu vàng nhạt, vàng ruộm, vàng đục, cam thường là sữa non. Loại sữa này thường xuất hiện trong giai đoạn cuối của thai kỳ và vài ngày đầu tiên sau khi sinh con.

Nguyên nhân khiến sữa non có màu vàng là do trong sữa có chứa nhiều beta-carotene. Theo các chuyên gia, sữa non thường ít nhưng rất bổ dưỡng. Sữa này có lượng chất đạm nhiều hơn 10 lần so với sữa trưởng thành và gấp 20 lần so với các loại sữa khác. Bên cạnh đó sữa non chứa nhiều kháng thể, lợi khuẩn, nhiều tế bào miễn nhiễm và ít mỡ.

Đặc biệt, trong sữa non còn chứa nhiều kháng thể như IgG, IgA, IgF… hiệu quả tăng hệ miễn dịch và bảo vệ đường tiêu hóa để trẻ tăng cường thể lực, khỏe mạnh và phát triển tối đa.

Vì vậy câu hỏi sữa mẹ màu vàng có tốt không? Câu trả lời là có. Ngoài ra mẹ ăn các loại thực phẩm có màu vàng, màu cam (cà rốt, xoài, bí ngô, ngô vàng...) cũng sẽ làm sữa mẹ chuyển sắc.

Sữa mẹ có màu trắng trong, trắng đục, màu nước vo gạo

Từ ngày thứ 10 sau sinh, sữa mẹ được gọi là sữa chuyển tiếp, được tiết ra từ quá trình bé ti mẹ. Trong giai đoạn này, sữa mẹ có thể chuyển từ màu vàng sang màu trắng.

Sữa chuyển tiếp còn được phân làm 2 loại:

Sữa đầu: Là phần sữa được tiết ra trong khoảng 10 phút đầu vào giai đoạn cho con bú. Sữa đầu thường trong và loãng như nước vo gạo. Tuy nhiên, sữa đầu vẫn đảm bảo chứa đầy chất dinh dưỡng như đạm, vitamin, khoáng chất, nước để cho bé bú.

Sữa cuối: Là sữa được tiết ra vào giai đoạn giữa và giai đoạn cuối khi cho bé bú. Lúc này, sữa mẹ vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và có thêm nhiều chất béo, chất đạm nên sữa trở nên đặc hơn và có màu hơi vàng. Đây chính là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng giúp bé phát triển khỏe mạnh.

Giải mã về màu sắc sữa mẹ, sữa mẹ đặc hay loãng mới là tốt cho con? - Ảnh 2.

Sữa chuyển tiếp sẽ có màu trắng như nước gạo.

Sữa mẹ màu hồng, cam và đỏ

Sữa mẹ có màu hồng, cam hoặc đỏ sau khi bạn ăn các loại thực phẩm có những màu này như củ dền, cà rốt, gấc, uống soda cam hay các loại đồ uống trái cây có màu đỏ hoặc cam…

Sữa mẹ có màu nâu, màu rỉ sét

Nếu máu chảy vào ống dẫn sữa, sữa mẹ có thể có màu nâu, cam sẫm hoặc màu rỉ sét. Màu sắc này cũng có thể xuất hiện khi bạn bị nứt núm vú (còn gọi là hiện tượng nứt cổ gà). Nếu thấy sữa mẹ có lẫn máu, đừng hoảng sợ mà vứt bỏ sữa mẹ hoặc ngừng cho bé bú bởi một chút máu trong sữa mẹ sẽ không gây hại gì. Đa phần, các tình trạng này sẽ tự biến mất trong vài ngày. Nếu màu sắc này kéo dài hơn một tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Sữa mẹ phân tách làm 2 màu khi bảo quản

Khi mẹ vắt sữa cho vài chai/túi và bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh sẽ gặp phải tình trạng sữa mẹ phân tách làm hai màu, điều này hoàn toàn bình thường, không phải dấu hiệu sữa bị hỏng, mẹ chỉ cần trộn đều hoặc lắc nhẹ bình sữa rồi tiếp tục cho trẻ sử dụng.

Giải mã về màu sắc sữa mẹ, sữa mẹ đặc hay loãng mới là tốt cho con? - Ảnh 3.

Sữa mẹ sau khi trữ đông sẽ bị phân tách làm hai màu.

Sữa mẹ đặc hay loãng thì tốt?

Sữa mẹ đặc và loãng là hai kết cấu của sữa được rất nhiều mẹ quan tâm và băn khoăn không biết sữa mẹ đặc hay loãng thì tốt?

Sữa mẹ đặc: Sữa mẹ đặc sẽ có màu trắng đục hoặc trắng ngà, vàng nhạt. Khi trữ sữa mẹ đặc trong ngăn đông hoặc ngăn mát sẽ thấy một lượng chất béo dày nổi lên ở lớp phía trên. Sữa non cũng có kết cấu đặc sánh, rất bổ dưỡng đối với trẻ.

Sữa mẹ đặc mang lại nhiều tác dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

Sữa mẹ đặc có chứa nhiều protein, trong đó 50% hàm lượng protein là các globulin miễn dịch (đa phần là IgA) giúp chống vi khuẩn, virus gây bệnh, tăng sức đề kháng cho trẻ trước các bệnh thông thường và bệnh tim mạch.

Trong ít nhất 6 tháng đầu, trẻ bú sữa mẹ đặc sẽ có thể tránh được nhiều loại bệnh cấp tính và mãn tính chẳng hạn tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp…

Giải mã về màu sắc sữa mẹ, sữa mẹ đặc hay loãng mới là tốt cho con? - Ảnh 4.

Sữa mẹ đặc chứa nhiều dinh dưỡng bổ sung cho trẻ.

Sữa mẹ loãng: Sữa mẹ loãng thường có màu trắng trong, gần giống với màu của nước vo gạo, đây cũng là dấu hiệu nhận biết sữa trưởng thành tiết ra sau sữa non. Nhiều chị em mới sinh thường gặp phải tình trạng sữa mẹ bị loãng và cảm thấy lo lắng vì sợ không cung cấp đủ dưỡng chất cho con, trẻ không tăng cân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản, bác sĩ phụ trách chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thì quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Vì trên thực tế, thành phần của sữa mẹ về cơ bản đều giống nhau với khoảng 80 – 90% là nước, 10 – 20% là các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.

Khi nhìn bằng mắt thường, mẹ có thể thấy sữa bị loãng nhưng thực chất thành phần của sữa lại không thay đổi chút nào và không ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ.

Con bú mẹ chậm tăng cân là do:

Mẹ không có đủ lượng sữa cho trẻ bú, khiến cơ thể bé thiếu nhiều dưỡng chất cần thiết để phát triển.

Hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động không hiệu quả dẫn đến khả năng hấp thụ thức ăn kém nên không nhận được chất dinh dưỡng đầy đủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển cả thế chất và trí tuệ.

Bên cạnh đó, trẻ bú mẹ nhưng vẫn không tăng cân còn do chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa đảm bảo, cho con bú chưa đúng cách.

Chính vì vậy, bác sĩ Đoàn Ngọc Minh nhấn mạnh, để sữa mẹ đặc, giúp con tăng cân đều thì các mẹ sau sinh cần: xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học với đầy đủ các nhóm chất; cho bé bú đều đặn theo cữ và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày, tránh xa căng thẳng mệt mỏi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn