Sức mạnh của lời “xin lỗi" lớn đến nhường nào?

14:21 | 06/01/2023;
Nếu “cảm ơn” dùng để thể hiện sự trân trọng những gì người khác làm cho mình và mình biết ơn vì điều đó, thì “xin lỗi" về cơ bản được dùng khi người nói nhận cái sai về mình và mong đối phương tha thứ.

Thông thường chúng ta sẽ bắt gặp hai trường hợp: hoặc hai từ này được sử dụng quá liều, dùng mà không kèm theo sự chân thành, hoặc hiếm khi nào hai từ này được dùng đến trong cuộc sống hàng ngày.

Trong giáo dục, bên cạnh “cám ơn”, “xin lỗi" là một trong những từ đầu tiên các bạn nhỏ được học ngay từ bậc học mầm non. “Xin lỗi” mang ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành nhân cách và việc xây dựng mối quan hệ tích cực giữa một cá nhân nào đó với bản thân họ và với thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhiều người có nhận định sai lầm về lời xin lỗi, từ đó, chưa hiểu đúng đắn giá trị của lời này.

Nhận định sai lầm về lời xin lỗi

Trong cuộc sống, không ít người cho rằng, xin lỗi hạ thấp vị thế của người nói với người tiếp nhận. 

Chắc hẳn đâu đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người cậy quyền ỷ thế và cho bản thân được đặc quyền luôn luôn đúng trong mọi tình huống, cho dù sai vẫn đúng. Đây có thể là người có chức sắc, có kinh nghiệm trong một tổ chức, hay là người công tác ở những lĩnh vực có sức ảnh hưởng đến người khác, hay đôi khi họ chỉ là những người lớn tuổi.

Chính lối suy nghĩ cho rằng xin lỗi làm giảm uy thế của người nói đã ngăn cản họ thừa nhận lỗi sai và chịu trách nhiệm cho hành động sai quấy của mình. Khi sự việc xảy ra, họ luôn tìm đủ lý lẽ để chứng minh cái sai không và sẽ không bao giờ thuộc về họ. Điều này càng nguy hiểm hơn nếu họ nắm giữ vị trí quan trọng trong tập thể hay có khi, họ chính là những người thầy người cô phụ trách đào tạo thế hệ trẻ. Liệu các em học sinh sẽ được giáo dục ra sao nếu giáo viên đứng lớp lại là người mang theo mình tư duy đóng và không có khả năng tự chịu trách nhiệm cho hành động lời nói của mình như thế?

Sức mạnh của lời “xin lỗi" lớn đến nhường nào? - Ảnh 1.

Nhà thơ người Anh Alexander Pope từng viết một câu thơ nổi tiếng trong tác phẩm “An essay to Criticism" và ngày nay được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong y học: “To err is Human" - “con người ai cũng có lúc lầm lỗi”. Nhân vô thập toàn. Nhận biết cái sai của mình và nhận lỗi, tìm giải pháp khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm và tránh lặp lại hành động tương tự, đó mới là đích đến. 

Tuy nhiên, sử dụng quá liều từ "xin lỗi" cũng góp phần làm giảm sút uy tín của người nói. Xin lỗi thành khẩn không đồng nghĩa với việc được phép liên tục mắc lỗi để rồi xin lỗi. Chúng ta cần cố gắng không ngừng hoàn thiện bản thân, cẩn thận trong hành động và cẩn ngôn trong lời nói để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình; đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi tính chính xác cao như Y tế và Giáo dục. Đương nhiên không thể cứ sai rồi xin lỗi là ổn thỏa, “sai một ly đi ngàn dặm", một chẩn đoán sai, một toa thuốc sai có thể lấy đi một mạng người; truyền đạt kiến thức sai, tư tưởng sai có thể ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ.

Lời xin lỗi chân thành mạnh hơn bạn có thể nghĩ

Năm 1976, Elton John từng sáng tác và thể hiện ca khúc “Sorry seems to be the hardest word" - “Xin lỗi dường như là lời khó nói nhất.” Ca khúc này đã góp phần mang đến thành công sau này cho nhóm nhạc Blue vào những năm 2002 bởi giai điệu và thông điệp ý nghĩa đằng sau.

“Tôi xin lỗi". Một câu ngắn gọn chỉ với ba chữ, nhưng lại giúp hóa giải không ít vấn đề.

Khi xin lỗi, một mặt ta chấp nhận rằng bản thân còn thiếu sót và lấy làm tiếc vì đã mang đến sự phiền lòng cho người đối diện, mặt khác, lời xin lỗi cũng sẽ truyền tải thông điệp đến người đối diện rằng ta tôn trọng đối phương, hi vọng cải thiện không khí căng thẳng và hàn gắn mối quan hệ giữa đôi bên.

Không chỉ vậy, xin lỗi còn thể hiện sức mạnh nội tại của người nói. Người đủ sức mạnh để vượt qua cái tôi và nhận sai trước người khác và đôi khi trước cả tập thể thật đáng để khâm phục. Đường công danh sự nghiệp chắc chắn không dễ bị giới hạn với những người dám làm dám chịu như thế. Bởi lẽ, một trong những phẩm chất quan trọng của các nhà lãnh đạo chân chính là sự chính trực và lòng can đảm nhận đúng sai, đây cũng là một trong nhiều cách làm gương cho tập thể nhân sự.

Sức mạnh của lời “xin lỗi" lớn đến nhường nào? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận lợi ích về mặt thể chất của lời xin lỗi đối với cả người nói lẫn người nhận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lời xin lỗi đúng mực sẽ mang đến giá trị tích cực cho sức khỏe của đôi bên. Người có lỗi khi được chấp nhận lời xin lỗi sẽ dần thoát khỏi cảm giác căng thẳng áy náy, người nhận lời xin lỗi khi tha thứ cho người mắc lỗi cũng sẽ giải phóng bản thân khỏi cơn tức giận, huyết áp và nhịp tim từ đó cũng sẽ trở về trạng thái bình thường. Đồng thời, xin lỗi và tha thứ cũng là cách dần dần nuôi dưỡng sự đồng cảm của mỗi người.

“Xin lỗi” có dễ không?

Xin lỗi có dễ không? Xin thưa, dễ nhưng khó, vì để làm được, chúng ta cần rèn luyện mỗi ngày.

Tuy rằng câu từ ngắn gọn, thế nhưng yếu tố quyết định lời xin lỗi có được chấp nhận hay không lại phụ thuộc vào thái độ của người nói. Nếu chỉ xin lỗi cho xong với thái độ dửng dưng hoặc thách thức và xem như chưa có chuyện gì xảy ra, người nghe sẽ khó lòng chấp nhận để tha thứ, sự việc cũng có thể từ đó trở nên tiêu cực hơn.

Thi thoảng chúng ta đọc được những bài báo đưa tin anh A chị B có phát ngôn không phù hợp, cô C có hành động không chuẩn mực. Sau đó một loạt những bài xin lỗi được đăng lên các diễn đàn, dù vậy, tình hình không được cải thiện mà còn xấu đi. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thông điệp kèm theo. Xin lỗi kèm lý do vì là tại bị, người nói muốn sắm vai nạn nhân ở thế bị động và đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Bạn có còn nhớ ngày bé, mỗi khi làm sai điều gì đó, người lớn sẽ yêu cầu đám nhỏ chúng ta xin lỗi kèm lời hứa “lần sau không dám nữa" không? Thực tế, “lần sau không dám nữa" đó có khi được lặp lại hơn chục lần, không hẳn vì đương sự muốn tái phạm, có khi chỉ vì chưa thật sự suy nghĩ và hiểu về lỗi sai và về cách rút kinh nghiệm.

Sức mạnh của lời “xin lỗi" lớn đến nhường nào? - Ảnh 3.

Công thức thành công của lời xin lỗi có thể được tóm gọn như sau:

Thái độ + cách diễn đạt + hành động thực tế = lời xin lỗi ý nghĩa

Thái độ thành khẩn đi đôi với cách diễn đạt rõ ràng, thẳng thắn, kèm theo các phương án khắc phục khả thi và hiệu quả, ấy là lời xin lỗi có giá trị. 

Dù chúng ta không thể quay ngược thời gian để thay đổi quá khứ, tuy nhiên một lời xin lỗi chân thành có thể giúp làm dịu đi những tổn thương và cải thiện mối quan hệ. Sử dụng đúng cách, lời xin lỗi sẽ mang đến những kết quả tích cực; ngược lại, nếu hời hợt hoặc thường nói những lời xin lỗi sáo rỗng, người nhận sẽ dần mất niềm tin vào người nói, uy tín của người nói cũng vì thế giảm sút, mối quan hệ cũng khó lòng như xưa. Xin lỗi đúng người, đúng nơi, đúng hoàn cảnh còn có thể xem là bài thực hành trên hành trình xây dựng sự đồng cảm và mang đến bình yên tinh thần cho chúng ta.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn