Chị Trần Hoàng Hà - Chuyên gia đào tạo viết nội dung, cây viết chuyên nghiệp cho hơn 100 thương hiệu quốc tế - đã có những chia sẻ về vấn đề này:
- Theo chị, độc giả hiện nay chú ý tới vấn đề này trong các bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông như thế nào?
Người đọc hiện nay rất nhạy bén và quan tâm đến cách sử dụng từ ngữ trong vấn đề nâng cao bình đẳng giới. Họ tìm kiếm những thông điệp và nội dung mà thể hiện sự tôn trọng và nhận thức đúng đắn về vai trò và đóng góp của cả hai giới trong xã hội. Tôi từng chứng kiến câu chuyện thực tế khi một thương hiệu gia dụng sử dụng hình ảnh người vợ đi lau dọn nhà cửa, và người chồng chỉ ngồi trên ghế đọc báo. Bài viết tưởng như rất bình thường này, sau đó đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối rất mạnh mẽ từ nhiều độc giả. Ở một câu chuyện tích cực khác, nhiều chiến dịch truyền thông của các thương hiệu đồ gia dụng, bắt đầu có sự xuất hiện của các ông chồng sẻ chia việc bếp núc. Điều này giúp "bình thường hóa" việc đàn ông vào bếp, thay vì quan niệm xưa cũ bếp núc chỉ là việc riêng của phụ nữ.
- Là người làm việc trong ngành truyền thông đã hơn 10 năm, hẳn chị đã nhìn thấy nhiều ví dụ thực tế: sự thay đổi tích cực về cách sử dụng từ ngữ có thể giúp thể hiện tính công bằng và đa dạng giới tính?
Trước đây, khi đọc các bài viết về nghề giáo, tôi thường thấy mọi người sử dụng cụm từ "thầy giáo". Điều này mang đến một nhận thức ngầm đã có phần lạc hậu rằng nghề giáo thường chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đã thay đổi rất nhiều. Ví dụ, chúng ta có thể thấy cụm từ "Người giáo viên, giảng viên" được sử dụng thay thế, ám chỉ công việc này dành cho cả nam và nữ. Một ví dụ khác, việc sử dụng "đối tác tài xế" hay "nhân viên vệ sinh", thay vì sử dụng cụm từ "chú xe ôm" hay "cô lao công" thể hiện tôn trọng và công nhận sự đóng góp của cả nam và nữ trong các công việc này.
- Vậy, khi viết bài cho các thương hiệu, chị có thể thay đổi cách sử dụng từ ngữ để góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới không?
Lấy ví dụ viết bài về tã bỉm chẳng hạn, tôi nhận thấy bài viết của nhiều thương hiệu thường sử dụng câu chuyện về "mẹ" hay dùng cụm từ nhân xưng "mẹ" để tâm tình trong các bài viết. Tôi thì không muốn để độc giả của mình - những chị em lần đầu làm mẹ, có một khái niệm vô hình gắn trong đầu rằng "việc chăm sóc bé là trách nhiệm của riêng cho phụ nữ." Đó là lý do khi viết về các câu chuyện minh họa, hay mô tả trong bài, tôi sử dụng cụm từ "cha mẹ" thay vì "mẹ", để nhấn mạnh vai trò của cả hai giới trong việc chăm sóc con.
- Từ góc nhìn cá nhân, theo chị, điều này tác động như thế nào tới việc các thương hiệu biên soạn nội dung cho các bài đăng trên truyền thông của mình hay không?
Tôi nghĩ rằng khi biên soạn các bài đăng về câu chữ, hình ảnh, video clip trên truyền thông, bất cứ người làm sáng tạo nào cũng nên chú ý tới vấn đề hình ảnh liên quan đến giới tính. Điều này có 2 tác dụng song hành: thương hiệu có thể góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội, đồng thời "ghi điểm" với khách hàng mục tiêu của mình. Tôi nghĩ rằng content (nội dung) không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin, mà còn có thể góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của mọi người về thế giới xung quanh. Khi sử dụng ngôn ngữ đúng cách, chúng ta có thể giảm dần rào cản tư duy phân biệt giới tính, thúc đẩy sự đa dạng và tôn trọng bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.
- Cảm ơn chị vì những chia sẻ hữu ích!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn