Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, loại hình vận tải đường sắt Bắc - Nam coi như dừng lại từ thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, loại hình vận tải thủy (đường biển, đường sông) chỉ thịnh hành được từ phía Bắc sông Cửa Việt trở ra vì đất nước tạm thời chia cắt 2 miền Nam Bắc. Vì vậy, con đường vận tải duy nhất từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam chỉ còn lại loại hình vận tải đường bộ.
Đường bộ Bắc - Nam bấy giờ chỉ có 2 con đường chính là QL 1A (đoạn qua Hà Tĩnh từ Bến Thủy đến Đèo Ngang dài 127 km, đi qua 7 con sông lớn bằng 7 chiếc cầu lớn: Nghèn, Già, Cày, Phủ, Họ, Rác, Trí) và 95 cầu nhỏ, cống ngang. Đến cuối tháng 4/1965, tất cả cầu lớn nhỏ trên QL 1A đi qua Hà Tĩnh đều bị máy bay Mỹ đánh sập, con đường vận tải bộ Bắc - Nam qua Hà Tĩnh bằng QL 1A coi như ngưng trệ, chỉ còn lại con đường vận tải bộ Bắc - Nam duy nhất qua Hà Tĩnh là QL 15.
QL 15 là con đường manh mún một ngả nối với QL 8 tại Lạc Thiện qua Đồng Lộc đi Ba Giang dài 30 km, được xây dựng từ năm 1913-1925 do thực dân Pháp thi công, đến năm 1943 mới được rải nhựa; ngả thứ 2 đi qua Thanh Chương, Nam Đàn vào Hà Tĩnh qua Linh Cảm để tránh phà Bến Thủy, còn đoạn Đồng Lộc - Khe Giao (10 km) là do ta làm vào năm 1960-1965.
Tại thời điểm Tổng thống Mỹ Zôn-xơn tuyên bố “xuống thang” (1/4/1968) ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (tức từ Diễn Châu trở ra) thì QL 15 là mạch máu giao thông từ Ninh Bình - Thanh Chương - Nam Đàn - Linh Cảm - cống 19 - ngầm Cơn Bạng - ngầm Tùng Cốc - cầu Tối - Ngã ba Đồng Lộc - Truông Kén - ngã ba Nông trường Thạch Ngọc (cạnh Khe Giao). Vì thế, nói Ngã ba Đồng Lộc là đoạn 300m hiểm yếu nhất mà chúng tập trung bom đào thành “con sông không có nước” từ cầu Tối đến ngã ba Trường Thành (tên cũ Ngã ba Đồng Lộc), thực chất là chúng hủy diệt cả 7 điểm nói trên, tạo thành khu vực Ngã ba Đồng Lộc dài 16 km.
Từ 1/4/1968 - 31/10/1968, 214 ngày đêm đối đầu lịch sử giữa ta và địch, cuối cùng, ta đã chiến thắng. Cuộc đối đầu lịch sử ấy, về phía ta đã tung ra 6 lực lượng, gồm 43 đơn vị, thời kỳ cao điểm lên đến 1,6 vạn người. Trong đó, lực lượng xây lắp, đảm bảo giao thông, gồm 20 đơn vị lớn nhỏ từ trung đội đến tiểu đoàn. Lực lượng công binh 5 đơn vị: Trung đội Công binh Ty Giao thông Hà Tĩnh (từ Tiểu đoàn Công binh 57 Tỉnh đội Hà Tĩnh sáp nhập sang); Tiểu đoàn Công binh 27 (D27) Quân khu IV; Tiểu đoàn Công binh D30 Quân khu IV; Tiểu đoàn Công binh D94 Quân khu III; Trung đội Công binh TNXP N55 - P18 do Võ Xuân Tài làm Trung đội trưởng (sau này thành lập A cảm tử, do Nguyễn Đình Cứ làm A trưởng)
Lực lượng xây lắp có 15 đơn vị: 7 đại đội TNXP Tổng đội 55, 4 đội công trình Ty Giao thông, 1 đội xây lắp chủ lực của huyện Can Lộc, 1 đội xe cơ giới (xe ben, xe tải), 2 tổ máy gạt DT54, D57 của Ty Giao thông Hà Tĩnh và Cục công trình I - Bộ GTVT.
Lực lượng phòng không có 7 đơn vị lớn nhỏ, từ cấp Trung đoàn Pháo cao xạ 210 (E210) gồm 5 đại đội pháo 57 ly và 2 Tiểu đoàn pháo 37 ly, đến cấp Tiểu đoàn Pháo cao xạ Hà Tĩnh gồm 4 đại đội pháo 37 ly và 12 ly. Cùng với 5 trung đội dân quân trực chiến của 5 xã miền thượng Can Lộc (Đồng Lộc, Trung Lộc, Gia Hanh, Thượng Lộc, Mỹ Lộc).
Lực lượng hậu cần có 7 đơn vị lớn: Ty Bưu điện Hà Tĩnh, Ty Y tế Hà Tĩnh, Ty Lương thực Hà Tĩnh, Ty Thương nghiệp Hà Tĩnh, Tổng công ty Thực phẩm Hà Tĩnh; Ty Giáo dục, Ty GTVT Hà Tĩnh cử cán bộ, giáo viên chuyên môn sang phụ trách kỹ thuật và giáo viên bổ túc văn hóa cho TNXP.
Lực lượng điều hành vận tải, kho, bến bãi giấu xe có 1 đơn vị là Binh trạm 9 - Đoàn 559 bộ đội vận tải Trường Sơn (tương đương 1 trung đoàn).
Lực lượng an ninh nội bộ, ATGT cũng có 1 đơn vị là Tiểu đội Cảnh sát giao thông Ty Công an Hà Tĩnh.
Lực lượng ứng cứu gồm thanh niên, dân quân 7 xã của huyện Can Lộc.
Những thành tích to lớn mà 6 lực lượng nói trên đã làm nên là kết quả của lòng dũng cảm bám trụ mặt đường, đảm bảo thông tuyến, kịp thời giải phóng xe liên tục trong suốt 214 ngày đêm trên suốt chiều dài 16 km. Địch đã ném xuống đây xấp xỉ 50.000 quả bom các loại.
Lực lượng công binh đã rà phá được 8.600 quả bom từ trường, nổ chậm và hẹn giờ. Lực lượng phòng không đã đánh 1.076 trận, bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Lực lượng xây lắp đã san lấp hàng vạn hố bom, lát đá, chống lầy, đào đắp hàng triệu m3 đất, mở 3 con đường tránh dài đến hơn 50 km.
Tuy nhiên, trong 214 ngày đêm oanh liệt đó, chúng ta cũng đã hy sinh 465 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, TNXP, công nhân, lái xe, công binh và 1.226 người là dân quân và nhân dân các xã lân cận QL 15. Chưa kể cháy nhà, hư hỏng hoa màu, chết gia súc, gia cầm.
Từ con số tổng hợp của 43 đơn vị lớn nhỏ nói trên đã nói lên sức mạnh tổng hợp của Hà Tĩnh, Quân khu 4, Trung đoàn 210 cùng với lực lượng mạnh nhất của Ty Giao thông Hà Tĩnh, Bộ GTVT và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ TNXP, cũng như nhân dân huyện Can Lộc. Chưa kể đến cả nước đêm nào cũng thức vì Ngã ba Đồng Lộc. Từ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Hội đồng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Quân khu 4 thường xuyên theo dõi, chỉ đạo hàng ngày, hàng giờ. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng thường xuyên có những chỉ thị sát sao từ dân sự hóa (ban đảm bảo giao thông các cấp) chuyển hướng thành quân sự hóa công tác đảm bảo giao thông (ban chỉ đạo GTVT các cấp từ Trung ương đến địa phương).
Lịch sử từ “túi bom chảo lửa” đã qua 50 năm nhưng thiên anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc còn vang mãi trong lòng nhân dân cả nước. Chiến công của những tập thể, cá nhân anh hùng trong chiến đấu ở Đồng Lộc ngày ấy mãi mãi là tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, soi sáng muôn đời sau. Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là kết tinh của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, là kết quả về đường lối “Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng” cả về: Xác định vị trí chiến lược; âm mưu, thủ đoạn đánh phá của không quân Mỹ; tạo sức mạnh đại đoàn kết của quân dân và nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Một nguyên nhân không thể không kể đến đó là sức mạnh tinh thần, được thể hiện qua phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, một nét độc đáo của văn hóa Việt Nam mà kẻ thù không lường hết.