Theo lời kể của chị L.T.H., 35 tuổi (Giảng Võ, Hà Nội), khoảng 4 tháng nay, chị thấy đau ở ngón tay trái thứ 2, sưng và có cảm giác đau khi vận động. Thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Đoàn Thu Hương - Chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chỉ định cho chị làm xét nghiệm cùng kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết.
Kết quả trên hình ảnh siêu âm và chụp X-quang của chị H. xuất hiện khối u kích thước 13x7x13mm, hình ảnh xương dưới khối u bị lõm. Chọc hút tế bào phần mềm bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm làm tế bào học, cho kết quả có nhiều tế bào khổng lồ nhiều nhân. Các bác sĩ đã chỉ định điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia y tế, u tế bào khổng lồ thường gặp ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và đầu dưới xương cùng và xương quay. Tuy nhiên, ở bệnh nhân H. thì khối u này ở ngón tay- vị trí ít gặp.
Nữ mắc bệnh cao gấp 1,5 lần so với nam giới
Bác sĩ Đoàn Thu Hương cho biết: U tế bào khổng lồ chiếm khoảng 5-10% trong số các khối u xương và chiếm đến 20% trong số các loại u xương lành tính. U tế bào khổng lồ ở xương được hình thành từ những khiếm khuyết về mạch máu xuất huyết tại chỗ trong xương. Kết hợp với sự tác động của một vài yếu tố khác khiến các tế bào bạch cầu đơn nhân biến đổi thành các tế bào khổng lồ và hủy cốt bào.
Bệnh hay gặp nhất ở người trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 40, đặc biệt là ở những người độ tuổi 30. U tế bào khổng lồ gặp ở nữ giới cao gấp khoảng 1,3 - 1,5 lần so với nam giới.
Thông thường khi mắc u tế bào khổng lồ ở giai đoạn sớm lúc khối u còn nhỏ, người bệnh hầu như chưa có triệu chứng rõ rệt. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì tổn thương phá hủy vỏ xương và kích thích màng xương sẽ có thể gây gãy xương bệnh lý. Người bệnh cảm thấy đau từ từ, tăng dần về cường độ và có thể sờ thấy u xương hoặc u mềm tại vị trí thương tổn.
U tế bào khổng lồ ở những vị trí khác nhau sẽ có nhưng biểu hiện khác nhau: Nếu ở gần khớp sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau, hạn chế vận động, thậm chí tràn dịch khớp. Xuất hiện cột sống sẽ gây đau thắt lưng, đau cột sống cổ kèm triệu chứng kích thích rễ.
Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh bị u tế bào khổng lồ có triệu chứng ban đầu là gãy xương bệnh lý. Vì vậy, khi thấy cơ thể sưng đau bất thường cần đi khám ngay.
U tế bào khổng lồ không phải bệnh truyền nhiễm, nên bệnh này không lây lan. Bệnh có thể phát hiện qua tổng phân tích tế bào máu; siêu âm khối sưng xác định kích thước khối sưng; chụp X-quang xác định tổn thương có ảnh hướng tới xương và các mô xung quanh; chọc hút tế bào làm giải phẫu bệnh để xác định khối u lành tính hay ác tính.
Ngoài ra, các phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá tình trạng xâm lấm của khối u. Sau khi có kết quả, bệnh nhân được tư vấn hướng điều trị phù hợp.