Suýt chết vì tự mua thuốc cảm sốt về uống

16:26 | 22/05/2019;
Bệnh nhân 48 tuổi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp vì tự ý mua thuốc cảm sốt về uống.
Khi bị cảm, người mệt mỏi, ông Oum Sokun (48 tuổi, quốc tịch Campuchia) đã tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống. Ít giờ sau, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân và được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Campuchia.
 
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy vì suy hô hấp nặng. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh càng lúc càng nặng dần, người nhà xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) thông qua chương trình hợp tác quốc tế giữa chương trình City Plus và Trung tâm y tế Khema Clinic tại Phnom Penh.
 
Vào ngày 14/2, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quốc tế City trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên người cùng với sang thương hoại tử da nghiêm trọng.
 
Phiên hội chẩn khẩn cấp giữa các thành viên của hội đồng cố vấn y khoa City Plus xác nhận đây là trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc nguyên nhân do dị ứng thuốc.
 
Nhận định tình trạng nghiêm trọng có nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ khoa Chăm sóc tích cực triển khai ngay các biện pháp điều trị khẩn cấp toàn diện.
 
benh-nhan-di-ung.jpg
Bệnh nhân dần hồi phục sau 97 ngày điều trị tại khoa Chăm sóc tích cực

 

Một thách thức lớn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị là cơ địa bệnh nhân dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc gồm các loại kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt và dị ứng cả với sữa cũng như một số thực phẩm dinh dưỡng.
 
Bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng viêm phổi liên quan đến thở máy tái phát nhiều lần với vi trùng đa kháng thuốc trên nền tổn thương xơ phổi, khí phế thủng. Thời gian lệ thuộc máy thở đã kéo dài trên 2 tháng.
 
Cuối cùng, sau 97 ngày điều trị tại khoa Chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã dần dần hồi phục. Ngày 14/5, sau khi rút ống mở khí quản, bệnh nhân tự thở tốt qua đường mũi, ăn uống khá qua đường miệng, có thể ngồi dậy trên giường. Hiện tại bệnh nhân đã được chuyển khoa Ngoại tiếp tục chăm sóc và điều trị.
 
Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân – Phó Giám đốc y khoa, trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vaccine sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus… Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong các thể nặng ghi nhận từ đến 5-30%.
 
Theo bác sĩ Vân, bất kỳ ai cũng có bị phản ứng dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào đó. Tại thời điểm này có thể không bị dị ứng nhưng có thể sẽ dị ứng ở thời điểm muộn hơn. Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
 
Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, chỉ uống thuốc theo toa bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ, không nên sử dụng những thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần. Khám bác sĩ ngay khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc.
 
“Nếu biết mình dị ứng với thuốc thì người bệnh nên ghi lại tên thuốc và báo cho bác sĩ biết khi đến khám bệnh tại cơ sở y tế. Bác sĩ cần thận trọng hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc trước khi kê toa thuốc cho bệnh nhân, nhất là các nhóm thuốc kể trên”, bác sĩ Vân cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn