Suýt suy tim vì u nang buồng trứng hơn 30 kg

12:16 | 22/03/2017;
Khối u nang buồng trứng với 20% ác tính của một người phụ nữ giấu tên người Mexico có thể là khối u lớn nhất được lấy ra một cách nguyên vẹn.

Thấy bụng đột nhiên to lên bất thường trong khi tay chân thì lại teo đi, áp dụng chế độ ăn kiêng cũng không ăn thua, nên một người phụ nữ 24 tuổi (giấu tên), đến từ Mexico, đã tá hỏa khi được bác sỹ cho biết cô đang mang trong người khối u nang buồng trứng đã phát triển được 11 tháng và nặng 33 kg.

Nghiêm trọng hơn, các bác sĩ còn cho biết kích thước khủng lồ của khối u khiến cô có nguy cơ bị suy tim. Nó có thể nghiền nát các cơ quan nội tạng và nó có nghĩa là cô thậm chí sẽ không thể đi bộ, hít thở hay ăn uống được nữa.

suyt-suy-tim-vi-khoi-u-nang-hon-30-kg.jpg
Nếu để lâu hơn khối u nang khủng lồ này sẽ tiếp tục phát triển và nghiền nát cơ quan nội tạng của người phụ nữ này.

May mắn thay, cô đã được bác sĩ Erik Hanson Viana tại Bệnh viện đa khoa Mexico, tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u nang này.

Bác sĩ Hanson cho biết: “Đây là u nang lớn nhất mà tôi từng xử lý. Nó chiếm tới 95% thể tích bụng của bệnh nhân. Rất hiếm khi một khối u nang lại phát triển lớn đến vậy. Đường kính của nó vào khoảng nửa mét và chu vi là 157 cm. Trong tất cả các nghiên cứu mà tôi từng đọc, thì đây là khối u nang buồng trứng lớn nhất từng được loại bỏ toàn bộ mà không cần thu nhỏ trước khi tiến hành...".

Bác sĩ cho biết, khi ông gặp bệnh nhân, cô ấy chỉ có thể đi bộ được vài bước và rất khó khăn trong việc thở vì phổi của cô ấy bị khối u chèn ép. Từ khi khối u nang phát triển lớn hơn, ruột của cô ấy đã bị co lại và việc đó ngăn không cho cô ấy ăn. Thậm chí, khi ăn, thức ăn từ dạ dày cũng không thể đi xuống ruột.

"Nếu chúng tôi không phẫu thuật loại bỏ nó, thì cô ấy thậm chí sẽ dần dần không thể đi được nữa và suy dinh dưỡng. Thật khó để chẩn đoán cô ấy sẽ sống được thêm bao nhiêu lâu nữa trong tình trạng đó, nhưng đó chắc chắn là một cuộc sống rất khó khăn” - bác sĩ chia sẻ.

suyt-suy-tim-vi-khoi-u-nang-hon-30-kg-1.jpg
 Khối u khủng lồ trong hình chụp X quang.

Chia sẻ về quá trình bình phục của bệnh nhân, vị bác sĩ này cho biết: “Chỉ 2 ngày sau ca phẫu thuật, cô ấy đã có thể đi lại. Trước đây, cô ấy luôn phải mang trên người khối u 33kg nên việc di chuyển sau phẫu thuật của cô ấy giống như đang bay hay đi trên mặt trăng vậy. 6 tháng sau phẫu thuật, khi cô ấy quay trở lại để khám lại, cô ấy đã hoàn toàn bình phục, vết sẹo đã lành, bụng cô ấy cũng đã phẳng trở lại. Cô ấy đã có thể đứng thẳng và đi lại như một người bình thường mà không cần bất cứ một cây gậy hay thiết bị hỗ trợ nào khác”.

Khi chia sẻ về việc khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật loại bỏ khối u khủng lồ trên, bác sĩ Hanson tiết lộ khối u nang này có 20% là ác tính, vì vậy nếu nó bị chọc thủng thì nguy cơ rò rỉ các tế bào u xơ vào cơ thể bệnh nhân sẽ rất cao.

Khó khăn hơn nữa là vỏ của khối u này chỉ dày chưa tới 1 mm và trong suốt quá trình loại bỏ, cần phải giữ cho lớp vỏ này không bị khô. Vì nếu bị khô, nó sẽ rất dễ bị vỡ.

“Cô ấy đã đồng  ý mổ dù biết sẽ phải mang một vết sẹo dài từ ngực đến vùng mu. Lúc đó, cô ấy không còn quan tâm đến tính thẩm mỹ nữa mà chỉ mong được hạnh phúc, khỏe mạnh trở lại. Bụng cô ấy có những vết rạn da rất xấu và da bụng cô ấy cùng bị nhăn lại, nhưng hiện tại thành bụng của cô đã trở lại bình thường”, bác sĩ Hanson chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn