Suýt thủng ruột vì thói quen ngậm tăm

20:10 | 03/05/2017;
Đau bụng kéo dài nhưng bệnh nhân nghĩ đau dạ dày hay đại tràng. Chỉ đến khi nội soi mới phát hiện “thủ phạm” là chiếc tăm.
Ngày 3/5, anh Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1976 ở quận Long Biên, Hà Nội đến khám tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội do đau bụng thượng vị nhiều ngày. Trước đó, anh Mạnh đã đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Để tìm ra bệnh, anh Mạnh đi nội soi dạ dày.
tam.jpg
 Chiếc tăm được lấy ra trong cơ thể người bệnh

Kết quả nội soi đã xác định “thủ phạm” gây đau tức là que tăm cắm vào thành dạ dày vị trí tiền môn vị. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành gắp dị vật qua nội soi. Sau thủ thuật hiện bệnh nhân ổn định.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn. Khi tăm trôi vào bụng, bệnh nhân không hay biết mà cứ nghĩ bị đau dạ dày hoặc đại tràng.

Tai nạn do nuốt tăm không hy hữu, dù đã được cảnh báo nhiều nhưng do thói quen nhiều người vẫn ngậm tăm sau bữa ăn, kể cả khi đi ngủ.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã phẫu thuật cho nhiều ca nuốt phải dị vật như tăm, nút chai, đồ chơi, tiền xu... Đặc biệt ngày càng nhiều trẻ em chưa kịp nhập viện đã tử vong vì hóc, nghẹn khi ăn thạch rau câu. Những tai nạn kiểu này đều bắt nguồn từ sự chủ quan của nhiều người.

Những tai nạn dạng này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Lưu ý những trường hợp nuốt phải dị vật:
 
• Cẩn thận khi ăn cá
• Tuyệt đối bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nhất là sau khi “nhậu”, có hơi men
• Khi nuốt phải dị vật, tránh tối đa phương pháp dân gian là nuốt cơm, uống nước nhiều cho dị vật trôi xuống. Cũng không dùng tay móc ra để tránh lại đẩy dị vật vào sâu hơn. Tốt nhất nên đến bệnh viện, vào khoa cấp cứu để được bác sỹ làm tiểu phẫu lấy dị vật ra.
• Nếu chẳng may dị vật trôi xuống sâu và gây đau, sốt, cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Hiện nay, phẫu thuật nội soi tránh xâm lấn tối đa, hầu như không đau, vết mổ nhỏ, xuất viện sớm.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn