Trong một nghiên cứu gần đây của Tổ chức CARE, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận với trọng tâm là hỗ trợ phụ nữ nghèo ở hơn 90 nước, những người thực hiện nghiên cứu đã chỉ ra rằng: hầu như ai tham gia nghiên cứu cũng có khoảng thời gian chịu đựng sự kiệt quệ về mặt cảm xúc trong đại dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ những người phụ nữ trải qua các hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, với các triệu chứng bao gồm mất cảm giác thèm ăn, mất ngủ, căng thẳng và gặp khó khăn trong việc tập trung, lên đến 27%, cao gần gấp 3 lần so với 10% ở đàn ông. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc khảo sát hơn 10.000 người gồm cả nam giới và phụ nữ ở 38 nước thuộc châu Mỹ, châu Á và Trung Đông.
Bà Emily Janoch, Giám đốc bộ phận Quản lý kiến thức và học tập ở CARE và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói trên, chia sẻ: "Chúng tôi đã thu được nhiều thông tin và số liệu từ những người phụ nữ về stress, nỗi sợ, sự căng thẳng và lo lắng của họ cho tương lai. Sau đó, chúng tôi dựa trên số liệu này để tìm ra các nguyên nhân". Điều mà Janoch và các đồng nghiệp của bà nhận thấy là phụ nữ phải chịu những tác nhân gây căng thẳng cụ thể, trong khi nam giới thì chịu ít hơn, và phần lớn những tác nhân đó có liên quan đến kinh tế. Ví dụ, chỉ riêng ở Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5/2020, đã có 11,5 triệu phụ nữ bị cho nghỉ việc so với 9 triệu nam giới. Những công việc bị mất đó lại nằm trong trong một hệ thống mà phụ nữ chiếm đến 66,6% lực lượng lao động của 40 công việc được trả lương thấp nhất ở đất nước này.
Việc tỉ lệ phụ nữ phải ở nhà gia tăng cũng gây áp lực lớn hơn cho họ về mặt tâm lý, khi họ vừa phải lo về kinh tế vừa phải chăm sóc gia đình. Ở Bangladesh , phụ nữ có khả năng bị đuổi việc trong mùa dịch cao gấp 6 lần đàn ông, đồng thời do quan niệm tôn giáo, họ còn không được ra khỏi nhà nếu không có một người đàn ông trong gia đình đi cùng. Điều này không những làm cho họ trở nên mệt mỏi và trầm cảm, mà còn khiến việc tiếp cận các dịch vụ y tế trở nên khó khăn.
Những vấn đề tương tự cũng xuất hiện tại Trung Đông. Ở Palestine , những người phụ nữ thường được tuyển vào làm các công việc tiềm ẩn rủi ro cao như y tá và các vị trí ở tuyến đầu chống dịch. Khi gặp các vấn đề tâm lý, chỉ có 8% phụ nữ được tiếp cận hệ thống chăm sóc tâm lý, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 67% - cao gấp hơn 8 lần. Để lý giải về sự chênh lệch này, bà Janoch cho rằng: "Thông thường, phụ nữ chỉ được đến các trung tâm tư vấn tâm lý được điều hành bởi các bác sĩ nữ, mà số lượng bác sĩ nữ ở đây thì vô cùng ít. Thêm vào đó, những người phụ nữ ở đây phải có một người đàn ông đi cùng, mà trong dịch Covid-19 thì điều này không phải lúc nào cũng khả thi".
Một nguyên nhân khác làm gia tăng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với phụ nữ là nền kinh tế mở rộng. Thông thường, nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới trong lực lượng lao động của nền kinh tế phi chính thức, hay còn gọi là "chợ xám" (các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, như các khu chợ, quầy bán hàng rong…). Khi đại dịch bùng phát, các khu chợ và hàng quán buộc phải đóng cửa, dẫn đến việc nguồn thu nhập cho hàng triệu người dân bị cắt đứt. Thông thường, những doanh nghiệp chính thống mới là những doanh nghiệp có xu hướng bị ảnh hưởng khi xảy ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cuộc suy thoái do virus SARS-CoV-2 đã gây ra tác động ngược lại, khi mà các thị trường thường đông đúc trở thành khu vực cấm.
"Bị tàn phá" có lẽ là một tính từ chính xác để nói về những thứ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các doanh nghiệp phải đóng cửa, nền kinh tế tan nát, những gia đình mất đi người thân - những hậu quả dễ thấy nhất của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, dù ít nhìn thấy hơn nhưng không kém phần khủng khiếp, chính là nỗi đau tinh thần của hàng triệu người phụ nữ, mà quá nhiều người trong số họ đang phải chịu thiệt thòi hơn chỉ vì giới tính của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn