Tắc động mạch phổi là bệnh lý cấp tính được xem như "sát thủ ẩn mình", khởi phát đột ngột, diễn biến phức tạp khó đoán, nguy cơ tử vong cao, đặc biệt thường lẫn trong bệnh cảnh của nhiều bệnh lý khác đi kèm. Do đó, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm thì mới có thể đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng và chính xác.
Cục máu đông thường xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu - nơi có dòng máu chảy chậm, dễ vón lại. Cục máu đông này sau khi hình thành có thể di chuyển theo dòng máu về tim và bắn lên gây tắc động mạch phổi. Hậu quả nguy hiểm nhất cho bệnh nhân là tình trạng sốc, tụt huyết áp và khi biến cố ngừng tuần hoàn xảy ra thì rất khó để cứu vãn.
Hiện tiêu sợi huyết đang là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến trong bệnh nhân tắc động mạch phổi, làm tan cục máu đông gây tắc mạch mà không cần phẫu thuật hay can thiệp, người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh, giảm nguy tử vong. Đây cũng là phương pháp được ứng dụng phổ biến và thành công trong điều trị tắc động mạch phổi cấp trên thế giới và một số bệnh viện tuyến Trung ương tại Việt Nam.
Mới đây nhất, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã liên tiếp cứu sống 2 trường hợp bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp nguy kịch bằng thuốc tiêu sợi huyết, giúp bệnh nhân phục hồi chỉ trong thời gian ngắn.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến trường hợp bệnh nhân L.V.H. (SN 1974, trú tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương) nhập viện với biểu hiện mệt mỏi, khó thở, tức ngực, tím môi, huyết áp 100/60 mmHg, SpO2 85%. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch não đã mổ giải ép cách đây 2 năm, di chứng liệt nửa người phải, không nói được, viêm teo thận. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Huyết khối động mạch phổi, có huyết khối trong nhĩ phải. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch do khối lượng huyết khối nhiều.
ThS.BS Lê Thế Anh – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng nguy kịch, toàn bộ động mạch phổi phải gần như bị bít tắc, nếu không khai thông sớm, bệnh nhân sẽ tử vong do thiếu sự cung cấp máu lên phổi để tiến hành trao đổi oxy. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử mổ sọ não, vì vậy việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cần hết sức thận trọng vì có thể gây xuất huyết não, nếu bệnh nhân bị tắc mạch phổi mà có thêm xuất huyết não thì nguy cơ tử vong gần như chắc chắn".
Các bác sĩ đã tiến hành sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để điều trị cho bệnh nhân. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt qua từng phút: không còn khó thở, không còn đau ngực, không có dấu hiệu xuất huyết nội sọ, hay xuất huyết trên da, xuất huyết dạ dày. Qua 24h điều trị, bệnh nhân đã không phải thở oxy, nhịp tim trở về bình thường khoảng 80 lần/phút, SpO2 khí trời đạt 96 – 97%, lâm sàng ổn định.
Theo các bác sĩ, những yếu tố nguy cơ của tắc động mạch phổi bao gồm: Tuổi cao, bất động lâu ngày, rối loạn đông máu di truyền, phẫu thuật, các vấn đề y tế như bệnh tim mạch, có thai, ung thư; đặc biệt chú ý những bệnh nhân có tiền sử tắc mạch phổi hoặc có bằng chứng viêm tắc tĩnh mạch chi dưới trong quá khứ hay hiện tại (sưng, nóng, đỏ, đau, mạch mu chân bắt rõ). Hút thuốc lá, béo phì,sử dụng estrogen cũng là yếu tố nguy cơ của tắc động mạch phổi.
Triệu chứng kinh điển của tắc động mạch phổi là đau ngực kiểu màng phổi đột ngột (đau tăng khí ho hắt hơi, ăn uống, hít sâu, vặn mình, không giảm khi nghỉ ngơi), khó thở. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân triệu chứng lại không rõ ràng. Thay vào đó, có thể xuất hiện những thay đổi huyết động nặng nề, tụt huyết áp, sốc, hôn mê. Ho ra máu cũng là một triệu chứng của tắc động mạch phổi.
Người bệnh cần khám cấp cứu ngay khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ tắc động mạch phổi cấp như: đau ngực, khó thở, ho máu, nhịp tim nhanh, sưng đau chân một bên, đặc biệt lại xuất hiện ở những người tuổi cao, bị ung thư, béo phì, sau mổ.
Khi được phát hiện có bệnh lý huyết khối (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, tắc động mạch phổi), người bệnh cần hạn chế vận động trong những ngày đầu, kể cả việc đi vệ sinh, tránh khiến các cục máu đông ở chân bứt ra khỏi lòng mạch và di chuyển đến tim và động mạch phổi gây tắc nghẽn cấp và ngừng tim.
Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của thầy thuốc vì bệnh lý này đòi hỏi quá trình điều trị và theo dõi sát. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, có thể kéo dài suốt đời trong một số trường hợp. Dừng điều trị đột ngột có thể khiến cho cục máu đông không tiêu đi hết mà hậu quả là suy tim mạn và hội chứng hậu huyết khối (suy tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch mạn tính).
Để dự phòng và phát hiện tắc động mạch phổi tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo:
- Với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, khi có các triệu chứng về hô hấp, nên đến bệnh viện ngay tránh chậm trễ.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích thích và hút thuốc lá, ăn nhiều rau quá, uống nhiều nước, hạn chế dầu mỡ phủ tạng động vật, chất béo.
- Tập thể dục thường xuyên nhất là đi bộ, không ngồi hay đứng lâu mà không vận động, ví dụ đi du lịch đường dài khi ngồi ô tô khoảng 30-45 phút ta nên đứng dậy vặn mình khởi động chân tay chút rồi mới tiếp tục ngồi xuống.
- Với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cần dùng thuốc chống đông dự phòng bằng heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc kháng vitamin K. Hậu phẫu nên cho bệnh nhân vận động sớm.
- Phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý tim mạch, bệnh lý viêm tắc hay suy van tĩnh mạch chi dưới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn