Có lần, thấy Linh đi học về muộn cùng với đám bạn, mẹ Linh nổi giận đùng đùng, mắng chửi té tát trước mặt các bạn. Rằng là "học không lo học, chỉ lo đú đớn", "chỉ giỏi chơi với mấy đứa không ra gì"... Bị mẹ sỉ nhục như vậy, Linh cảm thấy vô cùng mất mặt với bạn bè. Linh bị tổn thương và mất niềm tin vào cuộc sống.
Từ đó, Linh suy nghĩ tiêu cực rất nhiều và luôn có xu hướng tự trách bản thân. Em luôn suy nghĩ 1 cách nhạy cảm, quan trọng hoá vấn đề, chuyện "bé xé ra to" để trở nên tiêu cực hơn. Em cũng nổi loạn hơn. Em không muốn gần gũi mẹ và thường xuyên có lời nói, hành động chống đối mẹ.
Giống như Diệu Linh, Phương Hà (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng từng bị bố chửi và đánh trước mặt hàng xóm. Lý do vì em bị hàng xóm mách bắt nạt em bé nhà họ. Bố em chẳng cần hỏi em có chuyện gì xảy ra mà hùng hổ chửi và tát em ngay hành lang chung cư, nơi có vài người hàng xóm đứng đấy. Em cảm thấy rất xấu hổ và tổn thương lòng tự trọng. Em ghét bố và không muốn nói chuyện với bố. Em cũng sống khép mình với những người hàng xóm chứ không vui vẻ, cởi mở như trước kia. Em chia sẻ với mẹ: Nếu bố muốn đánh con, sao bố không kéo con vào phòng để đánh. Lúc đấy, bố đánh bao nhiêu cũng được. Đánh, chửi con trước mặt người khác, dù là một chút con cũng thấy nhục nhã.
Nhiều bố mẹ cho rằng chửi mắng con trước mặt người khác cũng là hình thức giáo dục con. Họ tưởng rằng điều đó sẽ giúp con nhận ra khuyết điểm và từ đó có ý chí mạnh mẽ để phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc mắng con trước mặt mọi người lại mang tác dụng ngược. Không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, khó chỉ bảo. Nhiều đứa trẻ cho biết, điều mà chúng sợ nhất, hình phạt nặng nề nhất với chúng chính là bị mất mặt.
Theo các nhà giáo dục, tất cả những đứa trẻ khó giáo dục nhất là những đứa trẻ mất đi lòng tự trọng. Thế nên, bố mẹ phải làm mọi cách để bảo vệ điều quý giá nhất của con, chính là lòng tự trọng. Khi đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, trẻ sẽ quay lưng trốn chạy, trở nên hèn nhát, yếu đuối, hoặc ngược lại, trở thành đứa nổi loạn, vượt ra khỏi quy tắc, khuôn khổ, thậm chí bất chấp pháp luật. Dù là tình huống nào đi nữa, sẽ cần rất nhiều thời gian, thậm chí là cả một đời để có thể chữa lành tổn thương cho đứa trẻ ấy.
Chính vì vậy, để bảo vệ lòng tự trọng của con, cha mẹ không nên mắng mỏ, chỉ trích con nơi công cộng. Trẻ bị mắng mỏ, chỉ trích trước mặt mọi người thường cảm thấy ê chề, xấu hổ, thất vọng với cha mẹ và mất đi sự tin tưởng vào họ.
Điều cha mẹ cần làm là bình tĩnh trò chuyện, phân tích đúng sai với trẻ, để trẻ hiểu và không phạm lỗi. Để nhấn mạnh độ "hư" của đứa trẻ, nhiều cha mẹ thường dùng những lời cay nghiệt để tác động đến đứa trẻ. Điều đó khiến trẻ tổn thương sâu sắc và đó là sự trừng phạt phũ phàng nhất với trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn