Tác dụng ngược khi mua nhiều đồ chơi cho con

08:00 | 06/04/2016;
Nhiều mẹ từng có ý nghĩ nếu con có nhiều đồ chơi thì sẽ giúp con có nhiều niềm vui và phát triển trí thông minh, sáng tạo. Tuy nhiên trong thực tế điều đó không hoàn toàn đúng, thậm chí còn có tác dụng ngược.
Khi đời sống vật chất ngày một khá, việc bỏ tiền ra mua đồ chơi cho con không còn khiến mẹ phải băn khoăn, suy nghĩ. Nhưng nếu ngày nào hoặc tuần nào mẹ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua đồ chơi cho bé, hoặc bé cứ thích thứ đồ nào là mẹ đều chiều chuộng theo ý trẻ, mua luôn là điều hoàn toàn không nên.
Khi mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng đồ chơi cho con, mua cho con thật nhiều, sẽ tạo cho trẻ thói quen muốn gì là được.
Việc làm này của mẹ sẽ khiến cho trẻ hiểu rằng việc mình có đồ chơi mới, có nhiều đồ chơi, được phép đòi mua là chuyện đương nhiên, giống như đồ ăn, nước uống, luôn luôn được cung cấp.
Khi đã hình thành thói quen này, lỡ hôm nào mẹ không mua nữa, sẽ khiến trẻ hiểu rằng đó là việc bất bình thường, rất là bất công và rất khó chấp nhận. Để từ bỏ thói quen xấu này của trẻ thì cách tốt nhất là mẹ đừng có tạo ra nó.
Các mẹ cũng nên lưu ý, việc trẻ quen với việc có quá nhiều đồ chơi cũng hoàn toàn không tốt, thậm chí nó còn mang lại những tác động hết sức tiêu cực.  
Khi trẻ có quá nhiều đồ, chúng sẽ có cảm giác vật chất bị “thừa mứa”.
Chơi quá nhiều, trẻ sẽ rất khó tập trung, không phát huy được hết tác dụng của từng loại đồ chơi và rất nhanh chán. Nếu để tình trạng “cả thèm chóng chán” này diễn ra thường xuyên, có thể sẽ khiến trẻ dần dần bị rơi vào trạng thái tâm lý không còn thiết tha với những đồ vật xung quanh, trẻ mất đi sự háo hức, chờ đợi và khả năng tò mò khám phá thế giới xung quanh.
Giúp con chơi “thông thái”
Trước khi mua đồ chơi cho con, mẹ cần đặt ra một số tiêu chí cần thiết như: không được mua quá nhiều, phù hợp với lứa tuổi, đồ chơi cần phải chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đối với trẻ, chỉ cần một hai món đồ bé thật sự yêu thích và tập trung cao độ vào đồ chơi đó còn hiệu quả hơn nhiều so với việc được tiếp xúc với nhiều đồ chơi chỉ trong giây lát.
 Ở mỗi thời điểm, mẹ chỉ nên cho trẻ chơi một số loại nào đó mà trẻ thực sự thích.
Mẹ cũng cần tìm hiểu những kiến thức liên quan đến sự phù hợp của lứa tuổi với từng loại đồ chơi để có thể cân nhắc khi chọn mua và phân loại chúng. Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, khi con ở giai đoạn dưới 1 tuổi, mẹ chỉ nên chọn 1 số loại đồ chơi liên quan đến khả năng kích thích việc nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm với những loại đồ chơi có âm thanh, hình ảnh, màu sắc…  Khi trẻ 1 đến 1,5 tuổi, nên chọn cho trẻ những loại đồ chơi có nhiều chuyển động, phải thực hành nhiều hành động. Khi trẻ tầm 2 tuổi, có thể là tập hát, vẽ, xâu vòng. Trẻ 2 đến 3 tuổi có thể xếp mô hình, nặn đất sét, vẽ tranh… Đặc biệt, các loại đồ chơi cần phải được lựa chọn kỹ càng, có nguồn gốc xuất xứ, phải được làm từ những chất liệu tốt, không độc hại, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ… Đồ chơi cũng phải đáp ứng được khả năng giúp trẻ có thể thư giãn, phát triển trí tuệ, phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo…
Trong quá trình con chơi, mẹ cần chú ý theo dõi những phản ứng của trẻ với đồ chơi để có những điều chỉnh kịp thời về số lượng và độ mới lạ. Khi thấy trẻ hay vứt đồ chơi, mẹ có thể biết được đó là dấu hiệu của việc trẻ đã “thừa mứa” và ít coi trọng, không còn cảm thấy chúng là quý giá. Vì vậy, mẹ nên tìm cách cất bớt đồ chơi đi. Khi được ai đó cho đồ, mẹ cũng cần tính đến thời điểm thích hợp thì mới đưa lại cho trẻ.
Trong trường hợp mẹ đã trót khiến trẻ quen với việc “mình luôn có nhiều đồ chơi”, mẹ cần tính đến một số biện pháp trước mắt để thay đổi. Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với trẻ về sự thay đổi thói quen này. Mẹ có thể lấy lý do về việc “mẹ còn ít tiền”. Có thể giao hẹn với trẻ về đang từ mua thường xuyên thành “thỉnh thoảng”. Mẹ có thể thỏa thuận với trẻ đồ chơi thành phần thưởng. Khi đi mua sắm, mẹ nên cố gắng tránh không để trẻ đi ngang qua hàng đồ chơi. Mỗi khi trẻ đi chơi, mẹ cần mang theo một số đồ đã có sẵn ở nhà để trẻ hạn chế  mong muốn đòi mua đồ khác. Mỗi khi trẻ mè nheo, đòi hỏi, mẹ cần phải kiên trì, giữ vững lập trường, không để mình bị nao núng trước những đòi hỏi hay ăn vạ của trẻ.
Mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ cách bảo quản và thu dọn đồ chơi cho gọn gàng, ngăn nắp.
Mẹ cũng nên đặt ra một số quy tắc về đồ chơi cùng con. Ví dụ, nếu con ngoan thì mới được chơi trò gì, chơi trong thời gian bao lâu thì phải dừng, chơi xong thì cần dọn dẹp... Nếu chơi mà không biết tuân thủ theo đúng các quy tắc mẹ và con đã từng đề ra thì sẽ bị phạt bằng hình thức tịch thu, cấm chơi… Mẹ cũng cần giúp trẻ thực hành việc bảo quản, tiết kiệm khi chơi, tận dụng đồ chơi cũ bằng cách trao đổi, làm từ thiện... Việc công khai thông tin về đồ chơi, tác dụng, nơi sản xuất, giá tiền… cũng là cần thiết để giúp trẻ sớm hiểu được giá trị của từng sản phẩm mà trẻ được hưởng. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn