Tía tô là một loại thảo mộc. Trong đó lá và hạt được dùng để làm thuốc cũng như được sử dụng để làm gia vị. Vậy tác dụng của hạt tía tô là gì?
Về mặt dinh dưỡng, hạt tía tô có chứa rất nhiều khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, đồng, phốt pho, sắt, mangan, kẽm, crom.
Hợp chất hóa học thực vật chính được tìm thấy trong hạt tía tô là các hợp chất phenolic (axit rosmarinic, axit caffeic, axit ferulic), flavonoid (luteolin, apigenin), Phytosterol, Tocopherol, Policosanol và Axit béo. Dầu hạt tía tô cũng là nguồn giàu axit béo thiết yếu như omega-3 và omega 6.
Hạt tía tô chứa nhiều thành phần hoạt tính có tác dụng khác nhau, bao gồm các đặc tính chống dị ứng hoặc hen suyễn, kháng khuẩn, chống viêm, hạ lipid máu, chống oxy hóa và chống ung thư,... Dưới đây là tác dụng của hạt tía tô theo một số nghiên cứu:
- Chống hen suyễn
Đầu tiên là tác dụng của hạt tía tô trong việc chống lại bệnh hen suyễn. Trong hạt tía tô có chứa flavone luteolin, chất này có tác dụng giãn cơ trơn khí quản. Một nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân hen suyễn cho thấy dầu hạt tía tô có thể cải thiện chức năng phổi và cũng ức chế giải phóng leukotriene LB4 và LC4 từ bạch cầu là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn.
- Phòng chống tiểu đường
Hạt tía tô được cho là có tác dụng chống lại bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế trên động vật và thiếu nghiên cứu ở người nên cần xem xét thêm tác dụng này.
Một nghiên cứu được tiến hành về tác dụng chống tiểu đường của mầm hạt tía tô trên mô hình chuột mắc bệnh tiểu đường týp 2. Việc bổ sung mầm hạt tía tô làm giảm trọng lượng cơ thể và nồng độ triacylglyceride huyết thanh; cải thiện tình trạng tăng đường huyết, dung nạp glucose và kháng insulin; kích hoạt protein kinase hoạt hóa AMP (AMPK) và điều hòa quá trình tân tạo glucose.
Trong một nghiên cứu khác, tác dụng của việc bổ sung dầu tía tô đối với hệ vi khuẩn đường ruột đã được nghiên cứu trên chuột KKAy mắc bệnh tiểu đường trong 12 tuần. Người ta thấy rằng việc bổ sung dầu tía tô làm giảm đáng kể vi khuẩn microfora blautia - đây là một loại vi khuẩn kỵ khí gram dương và chịu trách nhiệm cho các rối loạn chuyển hóa glucose và làm tăng vi khuẩn microfora Lactobacillus - đây là một loại vi khuẩn có lợi vì nó chuyển hóa đường thành axit lactic.
- Chống ung thư
Cả lá tía tô và dầu hạt tía tô có đặc tính chống ung thư. Trong một số thí nghiệm trên chuột, việc sử dụng dầu hạt tía tô có khả năng chống lại khối u đại tràng và ngăn ngừa ung thư đại tràng.
- Kháng khuẩn
Hạt tía tô có chứa hàm lượng lớn Luteolin, có tác dụng làm giảm sâu răng và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại trong miệng (Streptococci đường miệng và các chủng Porphyromonas gingivalis).
- Tốt cho sức khoẻ tim mạch và tiêu hoá
Tác dụng của hạt tía tô trong việc cải thiện sức khoẻ tim mạch là do loại hạt này giảm mức cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này làm cho hạt tía tô trở thành một loại thảo mộc tuyệt vời để ngăn ngừa các bệnh như đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch.
Các flavonoid trong hạt tía tô cũng có thể làm giảm các dấu hiệu khó chịu ở dạ dày như đầy hơi, buồn nôn và viêm dạ dày.
- Bảo vệ thần kinh và ngăn ngừa rối loạn cảm xúc
Trong một số thí nghiệm, hạt tía tô được cho là có tác dụng bảo vệ tế bào não, tăng cường chức năng nhận thức. Chẳng hạn, thành phần hoạt tính của hạt tía tô chứa một số axit béo (omega-3) có tác dụng chống chết tế bào theo chương trình và chống viêm ở các tế bào não của chuột trong chế độ ăn gây xơ vữa động mạch, do đó cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh của loại hạt này.
Hơn nữa, gần đây dầu hạt tía tô được cho như là một liệu pháp chống oxy hóa có lợi cho những bệnh nhân mắc chứng mất trí nhẹ đến trung bình. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược kéo dài 6 tháng, việc bổ sung dầu hạt tía tô đã giúp tăng cường chức năng nhận thức ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ.
Ngoài ra, các đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ trong hạt tía tô cũng có tác dụng lớn đến các trung tâm dopamine của chúng ta để thúc đẩy hạnh phúc, giúp giảm bớt căng thẳng và lo âu.
- Giảm triệu chứng dị ứng
Hạt tía tô có chứa một hợp chất gọi là axit Rosmarinic, có tác dụng chống viêm giúp giảm các triệu chứng dị ứng. Ví dụ, một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất hạt tía tô có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng như sổ mũi và mắt đỏ, chảy nước.
- Tác dụng khác
Tác dụng của hạt tía tô khác bao gồm hỗ trợ điều trị táo bón, chữa ho có đờm hoặc khó thở, giúp kiểm soát các tình trạng tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus.
Các bộ phận từ cây tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây tía tô, bao gồm cả hạt.
Tuy nhiên, mọi người nên lưu ý, đây là các bài thuốc dân gian chưa được các nghiên cứu chứng minh. Do vậy, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng. Đặc biệt, không tự ý bỏ thuốc điều trị (nếu được chỉ định) để thay thế bằng các bài thuốc này.
- Bài thuốc trị ho gà từ hạt tía tô
Chuẩn bị tía tô 12g, vỏ quýt 08g, vỏ rễ cây dâu 16g và củ bách bộ 20g. Tất cả các vị trên rửa sạch, cho vào ấm, đổ 02 bát nước ăn cơm, sắc lại còn 1 nửa bát, gạn lấy nước, bỏ sạch bã.
- Bài thuốc trị ho hen từ hạt tía tô
Chuẩn bị hạt tía tô, hạt cải trắng, hạt củ cải, mỗi thứ khoảng 10 g. Đem tất cả các vị kể trên sắc uống hay tán bột sử dụng đều được. Mỗi ngày uống 02 lần, mỗi lần từ 04 – 06g.
- Bài thuốc trị ho lâu ngày có đờm
Chuẩn bị hạt tía tô và hạt củ cải sao thơm, mỗi thứ khoảng 10g và hạt cải canh sao thơm khoảng 05g. Đem tất cả nguyên liệu trên tán thành bột mịn, cho vào túi vải, sắc với 02 bát nước ăn cơm và đun đến khi còn cạn khoảng 1 bát. Chia ra uống nhiều lần trong ngày.
- Bài thuốc chữa dị ứng, mẩn ngứa từ lá tía tô
Chuẩn bị lá tía tô tươi và đem rửa sạch. Sau đó giã nát, xát vào chỗ bị bệnh hoặc dùng nước sắc từ cây tía tô đem rửa bên ngoài.
Uống nước tía tô cũng là một bài thuốc dân gian và cách làm cũng rất đơn giản. Nếu bạn uống nước tía tô một cách phù hợp, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích như hệ tiêu hoá được cải thiện, đẩy lùi tình trạng mề đay, ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc dị ứng, hỗ trợ chữa đau dạ dày.
Tuy nhiên, uống nước tía tô cũng có thể gây chướng bụng, tiêu chảy, dị ứng, gây toát mồ hôi nhiều,... Do vậy, mọi người nên dùng với lượng vừa đủ, người bị sốt, nóng nảy, khí yếu, mệt mỏi, thường xuyên cảm lạnh không nên uống loại nước này.
Liều dùng khuyến cáo hàng ngày của hạt tía tô là 5-10g.
Những người bị tiêu chảy do khí hư, ho khó thở do âm hư hoặc ho mãn tính hoặc có hệ tiêu hoá kém không nên sử dụng loại hạt này.
Trên đây là những tác dụng của hạt tía tô đối với sức khoẻ và một số bài thuốc từ cây tía tô. Mặc dù là thảo mộc tự nhiên và có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh, nhưng bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại hạt này một cách thường xuyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn