Lúc được phân công học ở ngành chế biến sữa ở Nga, bà Mai Kiều Liên tin nó giống như "định mệnh" bởi cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học. Thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển.
5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. "Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ ", vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng. Song thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.
Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam.
Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.
Kênh CNBC (Mỹ) gọi CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là “nữ hoàng sữa”
Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước.
Năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Năm 2006, bà Mai Kiều Liên đã chuyển đổi thành công từ mô hình công ty nhà nước sang hình thức cổ phần hóa theo xu hướng tư nhân hóa.
Với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 359 triệu USD năm 2014 và chiếm 51% thị phần sữa nội địa, Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, theo nhận xét của Nielsen - công ty nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ.
Dưới sự lãnh đạo của CEO Mai Kiều Liên, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm của mình đến 23 quốc gia, kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017. Cổ phiếu Vinamilk tăng liên tiếp trong 5 năm vừa qua, và hiện được định giá khoảng 5,6 tỷ USD.
Theo kênh CNBC (Mỹ), trong những năm qua, Vinamilk đã làm được cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt. CNBC nhận định, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người hàng năm tại Việt Nam tăng 36 lần trong vòng 25 năm qua, một phần nhờ vào “kỳ tích” của Vinamlik.
Bà Mai Kiều Liên, người ba lần được Tạp chí Forbes vinh danh
Bà Mai Kiều Liên được trao giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 vì những đóng góp mang tầm khu vực và thế giới. Bà được Forbes vinh danh là Nữ doanh nhân Quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen) 4 năm liên tiếp từ 2010 đến nay.
Cuộc sống riêng của bà không mấy ồn ào - bà thường xuyên tập yoga, đi bơi, và thỉnh thoảng đi du lịch cùng chồng. Bà Liên nói không thuê người giúp việc mà tự làm lấy việc nhà, và 31 năm nay vẫn chỉ sống trong ngôi nhà ở Sài Gòn.
Bà cười: "Cuộc sống của tôi không có nhiều thay đổi. Vẫn vậy thôi. Công việc vẫn là công việc. Tôi làm việc, làm việc, và làm việc." Tháng 7/2015 vừa qua, Bà Mai Kiều Liên rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và vẫn giữ chức Tổng giám đốc.
Lý do là vì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Vinamilk năm 2015 đã thông qua việc tách hai vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc, không cho kiêm nhiệm.