Tai biến y khoa: Bác sĩ chủ quan, bệnh nhân lãnh đủ

10:12 | 17/01/2018;
Bác sĩ mổ mà không cần xem bệnh án, chỉ định hút thai mà không hội chẩn, cho thuốc dưỡng thai thành phá thai… là những sai lầm của nhân viên y tế tại các BV công gần đây. Hậu quả là các bệnh nhân lãnh đủ, thậm chí có gia đình mất con.
Mới đây, tại BV Sản Nhi Quảng Ngãi đã xảy ra vụ đưa nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến thai phụ mất con. Theo đó, ngày 10/1, chị Lương Thị Tưởng (32 tuổi, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đang mang thai 6 tuần tuổi đến BV Sản Nhi Quảng Ngãi thăm khám. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân có dấu hiệu động thai nên cho thuốc dưỡng thai để đặt vào tử cung.

Sau khi đặt thuốc được khoảng 1 tiếng, chị Tưởng có biểu hiện đau nhói ở vùng bụng nên đã báo với bác sĩ để kiểm tra lại. BV đã tích cực cấp cứu nhưng thai đã chết lưu. Gia đình sau đó phát hiện thuốc dưỡng thai mà nhân viên y tế đưa là thuốc phá thai nên đã yêu cầu BV làm rõ.

Trước đó, chị N.T.T.M (27 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) khi đang mang thai 7 tuần tuổi thì bị ra máu âm đạo. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến BV đa khoa Đức Giang thăm khám. Tại đây, bác sĩ Tiến trực tiếp điều trị cho chị. Sau khi siêu âm, bác sĩ Tiến xác định thai chết lưu, không có tim thai, không có chiều dài đầu mông nên chỉ định hút thai.

Tuy nhiên, gia đình không đồng ý nên xin chuyển sang BV Phụ sản Hà Nội kiểm tra lại.

Tại đây, bác sĩ xác định thai nhi vẫn phát triển bình thường, chỉ hơi bị động thai nên cho thuốc uống và về nhà theo dõi.

Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội và BV Đa khoa Đức Giang đã điều chuyển công tác đối với bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, người trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và yêu cầu thai phụ hút thai. Theo đó, bác sĩ Tiến bị điều chuyển đến phòng Kế hoạch tổng hợp làm công tác sổ sách, giấy tờ chứ không được trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
thai-2_jafp.jpg
Thai phụ Tưởng mất con do nhân viên y tế BV Sản Nhi Quảng Ngãi đưa nhầm thuốc
dưỡng thai thành phá thai

Trong năm 2017, sự cố y khoa khi chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình đã gây chấn động ngành y. Theo đó, cả 18 bệnh nhân trong khi chạy thận đã bị sốc phản vệ khiến 8 người tử vong. Sau khi xảy ra, cơ quan CSĐT xác định nguyên nhân do nguồn nước không đảm bảo. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bắt tậm giam 2 người liên quan. Sở Y tế Hòa Bình cũng đã cách chức Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình. Hiện tại, hậu quả vụ việc này các bên vẫn chưa giải quyết xong.

Các sự cố y khoa không chỉ xảy ra ở các BV tuyến dưới. Tại các BV TƯ cũng xảy ra các sự cố, thậm chí BV Việt Đức là BV đặc biệt nhưng cũng đã “mổ nhầm”.
 
Theo đó, chiều ngày 19/7/2016, bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thực hiện ca mổ chân trái tại khoa Xương khớp (BV Việt Đức).

Sau ca mổ, gia đình thấy vết mổ xuất hiện ở cả hai cổ chân bệnh nhân nên gặng hỏi. Anh Thảo cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây tê ở chân nên không hề hay biết. Chỉ đến khi rời bàn mổ anh mới thấy mình bị mổ nhầm chân phải và có thắc mắc. Lúc này, bác sĩ mổ mới xem bệnh án và đưa Thảo lên bàn mổ chân trái.

Phát hiện sự việc, gia đình đã đề nghị các bác sĩ trong kíp trực làm rõ. Tuy nhiên, khoa Xương khớp không hợp tác nên gia đình đã đưa lên mạng xã hội. Ngay sau bị dư luận lên án, BV đã tổ chức họp báo, công khai xin lỗi gia đình bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc.

Theo kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 230 triệu ca phẫu thuật. Các nghiên cứu ghi nhận tử vong trực tiếp liên quan tới phẫu thuật từ 0,4-0,8% và biến chứng do phẫu thuật từ 3-16%. Theo Viện nghiên cứu Y học Mỹ và Úc, gần 50% các sự cố y khoa không mong muốn liên quan đến người bệnh có phẫu thuật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn