Bá Duy (30 tuổi) là người không biết chi tiêu hợp lý ngày còn độc thân. Nhưng cho đến khi kết hôn, anh đã phải thay đổi hoàn toàn tư duy về tài chính, mới có thể bớt đi gánh nặng về tiền bạc.
Khi nói về quan điểm quản lý tài chính gia đình, Bá Duy cho rằng “Thông thường mọi nhà sẽ đưa 1 người nắm giữ quản lý tài chính hết cả. Nhưng mình thấy cách này có gì đó cứ sai sai. Các mâu thuẫn phát sinh trong gia đình liên quan đến tiền bạc hầu hết đều từ sự thiếu tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm. Khi 1 khoản tài chính đã thuộc sở hữu và trách nhiệm từ 2 người trở lên thì nó không đơn thuần là tài chính cá nhân nữa mà giống như tài chính của một tổ chức. Hãy coi đó là tài chính công ty gia đình - chính là công ty quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn”.
Sau đó, anh cùng vợ đã thảo luận và bàn bạc với nhau để đưa ra kế hoạch và phương pháp quản lý tài chính phù hợp cho cả 2. Anh nhấn mạnh rằng để quá trình diễn ra 1 cách suôn sẻ, vợ chồng luôn phải có sự đồng thuận, rõ ràng thẳng thắn về vấn đề tiền bạc. Mọi vấn đề thu, chi, đầu tư khoản gì, bao nhiêu đều được cả hai cùng bàn bạc rất cụ thể. “Mình chịu trách nhiệm mang một khoản tiền mang đi đầu tư thì mình cũng phải có trách nhiệm thông báo rõ ràng lại cho vợ tình hình lãi lỗ ra sao, giống như báo cáo cho cổ đông vậy”.
“Sau xây dựng được kế hoạch quản lý tài chính như vậy, gia đình mình thực sự chưa hề gặp vấn đề mâu thuẫn nào trong tiền bạc. Thậm chí nhiều lúc vợ mình còn bảo: “Tháng này nhà mình cần chi nhiều quá, nên em sẽ bớt khoản quỹ riêng đi một chút để thêm vào quỹ chung””, Bá Duy kể lại.
Khi được hỏi về cách quản lý tài chính gia đình, Mai Trang (30 tuổi) chia sẻ rằng bản thân đã phải vật lộn nhiều năm, trăn trở với hàng tá các khoản chi không tên mới tìm ra được một vài hướng phù hợp.
Đầu tiên, Mai Trang thấy có 2 phương pháp quản lý tài chính gia đình phổ biến ở Việt Nam. “Tiền chung về 1 mối" là kiểu gom tiền về 1 nguồn duy nhất do vợ hoặc chồng nắm giữ tay hòm chìa khóa, tức là 1 trong 2 sẽ là người quản lý chi tiêu gia đình.
Điểm mạnh của phương pháp này chính là tiền bạc sẽ được quản lý rất chặt chẽ: Thu vào bao nhiêu - chi ra bao nhiêu, tiền lương cần được tập trung hết vào 1 mối.
Điểm yếu của phương pháp này chính là: Trách nhiệm chi tiêu nghiêng hết về 1 bên. Khi này, người nắm giữ tay hòm chìa khóa sẽ có áp lực tài chính rất lớn đối với mỗi quyết định chi tiêu trong nhà. Một khi xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc, sẽ dễ dẫn đến việc thiếu niềm tin với đối phương.
“Gia đình mình cũng từng thực hiện nó. Từ kinh nghiệm của chúng mình, khi thực hiện phương pháp này, bạn cần:
- Chọn người có khả năng quản lý tài chính tốt hơn, nắm giữ chi tiêu trong nhà. Không nhất thiết lúc nào cũng là người vợ cầm.
- Xây dựng niềm tin với nhau. Tất cả những chi tiêu đều cần được ghi chép 1 cách cẩn thận và chi tiết, bất cứ khoản thu chi nào cũng cần đạt được sự thống nhất ngay từ đầu.
- Đối với các mục đích đầu tư, chi tiêu lớn, cần thảo luận để đạt được sự đồng thuận của cả hai bên”, Mai Trang chia sẻ.
Phương pháp thứ hai "túi tiền thông nhau" được hiểu theo đúng nghĩa đen, tức là tiền của 2 vợ chồng được hợp lại, và cả 2 đều có trách nhiệm với chi tiêu trong gia đình.
Cụ thể, thu nhập chung của 2 vợ chồng sẽ được chia đều thành các khoản: Chi tiêu chung - Tiết kiệm và đầu tư - Các khoản chi tiêu riêng của mỗi người. Thông thường, gia đình mình sẽ dành 80% lương để đưa vào túi tiền thông nhau, 20% còn lại là chi tiêu tự do của mỗi người
Điểm mạnh của phương pháp này là: Ai cũng sẽ có trách nhiệm với việc chi tiêu trong gia đình. Mọi thứ đều được trình bày rõ ràng trước 2 bên, vợ chồng có tiếng nói chung, cũng như nhìn vào quỹ tài chính chung mà phấn đấu. Hơn nữa, vì có phân bổ 80:20, nên những sở thích riêng vẫn có thể được duy trì.
Điểm yếu của phương pháp này lại nằm ở chỗ, chồng/ vợ đều cần phải học về quản lý chi tiêu. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng không biết cách ghi chép những khoản thu - chi, dễ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tài chính chung của gia đình.
Theo Mai Trang, để thực hiện được phương pháp này một cách hiệu quả, bạn cần:
- Cả vợ và chồng đều nên trang bị cho mình những kiến thức quản lý tài chính mức cơ bản.
- Lựa chọn điểm mạnh của đối phương để đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất.
- Học cách sử dụng các app quản lý chi tiêu thông minh, và cùng nhau sử dụng.
Trọng Trung (30 tuổi) đã kết hôn được 1 năm. Anh chia sẻ rằng trong giai đoạn tìm hiểu và khi xác định tiến tới hôn nhân, vợ chồng đều có những lần nói chuyện, chia sẻ hay bàn bạc về tài chính cá nhân của cả 2 để xây dựng những kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn.
"Thường bọn mình sẽ bàn bạc với nhau các mục tài chính như sau:
- Thu nhập: Cần nắm rõ thu nhập của cả 2 là bao nhiêu mới có thể thực hiện được các bước tiếp theo sẽ phân chia các dòng tiền thu vào.
- Nợ: Đây cũng là một trong những chuyện khá khó chia sẻ với đối phương. Song dựa vào những gì bản thân đã trải nghiệm, việc này cần nói rõ ngay từ lúc này mới có thể thực hiện được các bước tiếp theo.
- Tích luỹ và Đầu tư: Hai mảng này cũng tương tự như nợ, cần nắm rõ cả hai đang có những gì, tài sản hiện hữu ra sao để có cách sử dụng thu nhập và đầu tư rõ ràng.
- Kế hoạch cho tương lai: Các kế hoạch cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần được vạch ra để cả hai đều có trách nhiệm với tài chính của cá nhân cũng như tài chính cho hôn nhân sau này".
Theo quan điểm cá nhân và dựa trên những trải nghiệm Trọng Trung cho rằng trong chuyện tài chính cả 2 càng rõ ràng, càng dễ chia sẻ với nhau bao nhiêu trước hôn nhân thì sau này sẽ càng sẽ càng dễ hiểu nhau trong các quyết định về tài chính của cá nhân cũng như cho gia đình bấy nhiêu. Nói chuyện về tài chính rất khó để mở đầu nhưng khi đã có thể rõ ràng với nhau rồi thì cả hai đều thấy khá dễ dàng cho các quyết định về sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn