Hoa là tín đồ nghiện săn hàng giảm giá từ khi còn chưa lấy chồng (Ảnh minh họa) |
Từ ngày còn chưa lấy chồng, Hoa đã là một tín đồ thích săn hàng giảm giá. Chỉ thấy nơi nào trưng biển “giảm giá”, “sale off” là nơi đó có mặt Hoa. Đến khi lấy chồng, sở thích ấy vẫn chẳng hề giảm đi chút nào. Chồng Hoa vốn lành tính lại yêu vợ, thấy Hoa vẫn lo trọn vẹn mọi việc nên cũng mặc kệ, để cho cô được thoải mái với sở thích của mình.
Hôm ấy, trên đường đi làm về Hoa thấy một cửa hàng quần áo đang thanh lý, giảm giá mạnh để trả mặt bằng. Cô vội tạt xe vào ngay. Vào tới nơi cô thấy rất nhiều chủng loại quần áo đang giảm giá sâu, có cả người lớn và trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là quần áo phù hợp với giới trẻ.
Lục tìm một lúc, Hoa chọn cho mình được 3 cái áo, 2 cái quần ưng ý, giá mỗi cái cũng chỉ có mấy chục nghìn. Tìm thêm một lúc nữa, cô hài lòng vô cùng khi thấy có 2 chiếc áo khoác gió giống nhau, kiểu dáng vào màu sắc khá ổn mà chỉ chưa tới năm chục nghìn. Cô lấy luôn cả hai, một cái cho mình và một cái đem cho cô em họ chồng.
Sau khi thanh toán, Hoa phóng xe như bay về nhà rồi lôi kéo bằng được chồng đến cửa hàng để mua quần áo. Dù anh đã nói không muốn mua nhưng Hoa vẫn cố nài nỉ.
Tới nơi, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hoa, cuối cùng chồng cô đã chọn được 2 chiếc áo khoác, chục đôi tất với giá khá rẻ. Nhìn thấy nhiều quần áo rẻ quá nhưng vì kiểu dáng hơi cũ, trông lại già, Hoa không mặc được nên cô hơi tiếc. Cô bỗng nảy ra ý định mua vài cái gửi về quê cho mẹ chồng, mấy mợ và dì bên đằng nhà chồng mặc làm quần áo lao động (vì họ làm nông nghiệp). Những đồ này so với đồ lao động ở nhà thì tốt hơn rất nhiều, tất nhiên nếu dùng làm đồ mặc đi chơi thì lại không phù hợp vì trông hơi quê.
Khi gửi về Hoa đã dặn đi dặn lại mọi người là dùng làm quần áo mặc lao động. Cứ yên tâm và ung dung rằng mọi người sẽ hiểu và cảm kích tấm lòng hiếu thảo của mình, nào ngờ thông tin nghe được từ chồng khiến cô như hóa đá. Anh nói mọi người ở quê đang xì xào là nàng dâu mới keo kiệt, lần đầu tặng quà mà tặng toàn quần áo xấu, cũ, lỗi mốt, mặc chẳng ra làm sao. Họ còn trách cô là chê họ là nhà quê nên gửi về toàn đồ trông quê mùa.
Chồng cô nói dù anh đã cố giải thích rằng gặp đồ rẻ quá, tiếc nên mới mua về cho mọi người mặc làm lao động nhưng chẳng ai buồn nghe. Có lẽ món quà mà mọi người muốn nhận không phải mang tính chất như vậy.
Sau sự kiện ấy, cô phải nhân một ngày lễ gần nhất, mua những món quà thật xinh xắn gửi về tặng mọi người ở quê nhà chồng. Dù đã ổn nhưng trong lòng cô vẫn cảm thấy có một nỗi buồn len lỏi khó gọi tên. Từ nay, có lẽ cô phải thận trọng hơn khi tặng quà người khác và sẽ không còn “say mê” hàng giảm giá một cách thiếu suy nghĩ như trước nữa.