Tái hiện mối lương duyên Việt Nam - Nhật Bản từ 400 năm trước bằng Opera

09:02 | 19/05/2023;
“Tôi hy vọng rằng, vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu vở opera “Công nữ Anio”.

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp báo giới thiệu vở opera "Công nữ Anio". Đây là dự án nghệ thuật hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước (1973-2023). Dự án do Ban điều hành "Công nữ Anio" (gồm Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến giao lưu quốc tế NPO - Nhật Bản) phối hợp Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio là Cố vấn danh dự.

Tham gia họp báo có ngài Yamada Takio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ê kíp nghệ thuật của vở diễn. Đặc biệt, 2 nghệ sĩ người Nhật đóng vai Araki Sotaro là Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei cũng có mặt trong sự kiện.

Câu chuyện tình yêu có thật vượt lên cả sự khác biệt về quốc gia và giai cấp

Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền vào đầu thế kỷ 17, anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Nhận được sự tin tưởng của chúa Nguyễn, anh được gả công nữ Ngọc Hoa về làm vợ.

Sau đó, Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki. Tại đây, nàng được người dân Nagasaki yêu mến gọi với cái tên "Anio san", và sinh sống tại Nagasaki. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh "Châu Ấn thuyền" được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội "Nagasaki Kunchi" ở Nagasaki.

Vở Công nữ Anio sẽ công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 3 đêm, từ 22 đến 24/9/2023. Tiếp đó, tác phẩm sẽ có một buổi công diễn tại Hưng Yên. BTC cũng dự kiến sẽ đưa tác phẩm đến với Hội An và TP HCM.

Vở opera Công nữ Anio lấy mô típ từ câu chuyện có thật trong lịch sử giao lưu và hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản có từ thời xa xưa, mô tả mối quan hệ kính trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã có từ thời đại này. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, vở opera này sẽ được truyền bá ra thế giới với mục đích lưu truyền câu chuyện đến thế hệ mai sau như một minh chứng cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Thông qua việc đưa câu chuyện sự thật lịch sử vào vở opera, ê kíp thực hiện mong muốn tạo nên một tác phẩm như một biểu tượng cầu nối giúp mối quan hệ hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn trong 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa.

Bốn nghệ sĩ đóng vai chính trong vở "Công nữ Anio"

Bốn nghệ sĩ đóng vai chính trong vở "Công nữ Anio"

Trên cương vị Cố vấn danh dự Dự án, ngài Yamada Takio (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam) cảm thấy Nhật Bản và Việt Nam có sự gắn kết lâu đời bắt nguồn từ quá khứ xa xưa. Đặc biệt, vào thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền phát triển rực rỡ cách đây 400 năm, khi việc đi lại và giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam diễn ra tấp nập, hai nước đã là đối tác thân thiết bình đẳng của nhau. Không bao lâu sau đó, trước những biến động dữ dội của thời đại, Nhật Bản và Việt Nam đã đi theo những con đường phát triển riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hai nước đã gặp lại nhau trên con đường phát triển và cùng khẳng định sự gắn kết bền chặt đến mức có thể nói rằng quan hệ hai nước đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.

"Nền tảng phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam có sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người. Những ví dụ thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó có thể thấy trong lịch sử lâu đời, vượt xa phạm vi 50 năm và một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa, đã trở thành chủ đề của vở opera Công n Anio. Tôi hy vọng rằng, vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ.

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa, dự án opera Công n Anio là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt. Tác phẩm chung giữa nghệ sĩ hai nước là sự tôn vinh giá trị chung của hai dân tộc. 

 Nghệ sĩ Nhật hát opera bằng tiếng Việt

Vở opera Công nữ Anio hội tụ ê kíp sản xuất và dàn nghệ sĩ opera nổi bật của 2 quốc gia, gồm: Tổng đạo diễn Honna Tetsuji; tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; đạo diễn và tác giả kịch bản, tác giả soạn lời tiếng Nhật Oyma Daisuke; tác giả soạn lời tiếng Việt Hà Quang Minh; giọng Soprano Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang vào vai Công nữ Anio; giọng Tenor Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai Araki Sotaro…

Nghệ sĩ Đào Tố Loan và Koborri Yusuke

Nghệ sĩ Đào Tố Loan và Koborri Yusuke

Tổng đạo diễn Honna Tetsuji cho biết: "Trong quá trình xây dựng vở opera này, chúng tôi mong muốn tạo ra một tác phẩm lưu truyền về sau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các chứng cứ lịch sử là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử của cả Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng câu chuyện chính xác, chân thực nhất".

Đặc biệt, khi biểu diễn trên sân khấu, các nghệ sĩ Nhật Bản đã khiến nhiều người bất ngờ với khả năng hát opera bằng tiếng Việt. Chia sẻ về việc hát Opera bằng tiếng Việt, nam nghệ sĩ Kobori Yusuke cho biết, đây là một thử thách rất lớn đối với anh. "Tôi đã tham gia một số vở opera được hát bằng tiếng Ý, Pháp, Nga… nhưng chưa có kinh nghiệm với tiếng Việt. Vấn đề khó khăn nhất đối với tôi khi học tiếng Việt là sự phong phú của các nguyên âm tiếng Việt. 

Để khắc phục được điều này, tại Nhật Bản tôi có những buổi luyện tập phát âm tiếng Việt với giáo viên người Việt Nam. Trong những lần đó, tôi phải vừa tập hát, tập phát âm, tập nghe, tập nói, tập luyện khẩu hình để sao cho phát âm chính xác. Sau thời gian học tại Nhật thì sang Việt Nam, chúng tôi được rực tiếp nghe nghệ sĩ Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang cũng như các nghệ sĩ khác chỉnh sửa, luyện tập. Từ nay đến khi công diễn vào tháng 9, chúng tôi sẽ cố gắng luyện tập, tập thật nhiều để có thể cống hiến cho khán giả một buổi biểu diễn tuyệt vời".

Trong khi đó, nghệ sĩ Yamamoto Kohei bày tỏ, thông qua các buổi luyện tập âm nhạc cũng như ngôn ngữ, anh thấy mình nhận được rất nhiều năng lượng tích cực từ nghệ sĩ cũng như đội ngũ sản xuất phía Việt Nam. "Tôi hy vọng tôi sẽ nói được tiếng Việt cũng như mượn sự kỳ diệu của âm nhạc để có thể hiện được nội dung của tác phẩm", anh nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn