Dự án 'Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ' do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, TW Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ quản và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai thực hiện từ tháng 3/2020. Để xây dựng giải pháp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ, ngày 2/10, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp Hội LHPN Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo vận động chính sách.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, kể từ khi dự án được khởi động, tới nay nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó có chuỗi các hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương được tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn dự án: Cần Thơ, Hải Phòng, Hậu Giang, Hải Dương và Hà Nội. Qua đó giúp tìm hiểu sâu sắc hơn về những khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ và nhu cầu cần được hỗ trợ của họ khi trở về.
Phụ nữ di cư kết hôn khi trở về Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến trẻ em đi cùng, tìm kiếm cơ hội việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả sơ bộ nghiên cứu ban đầu về trải nghiệm của phụ nữ di cư kết hôn trở về do dự án thực hiện trong tháng 7/2020 cho thấy: 55,1% phụ nữ di cư kết hôn hồi hương đã ly hôn chồng Hàn Quốc nhưng không có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý khi trở về. Các khó khăn về pháp lý của nhóm này là không có đủ giấy tờ ly hôn; không có thông tin của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn. Mặt khác, họ không thực hiện ly hôn được tại Việt Nam do không ghi chú kết hôn; không có đủ chi phí để giải quyết các thủ tục tại Hàn Quốc.
Các khó khăn mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải cần sự tham gia hỗ trợ giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp. Phụ nữ di cư trở về hiện nay chủ yếu là hai nhóm: di cư lao động và di cư kết hôn. Nhận diện rõ các vấn đề đang đặt ra và vai trò của các ngành trong hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương là quan trọng. Các giải pháp về thể chế nâng cao năng lực cán bộ các ngành có liên quan cũng như cung cấp các dịch vụ xã hội dành cho nhóm đối tượng này là hết sức cần thiết.
"Tôi tin rằng dự án là bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam để hỗ trợ phụ nữ và để không ai bị bỏ lại phía sau. Cần đưa ra những hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ di cư trở về, tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền, cung cấp những dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương", Giám đốc KOICA Việt Nam Cho Han Deog cho biết. Còn theo bà Mi Hying Park - Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam, khi đi ra nước ngoài, sống với cộng đồng người nước ngoài, cuộc sống của nhiều chị em còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương. Khi phải về nước, họ lại rất khó hòa nhập, đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Do đó, cần tìm hiểu được nhu cầu, mong muốn của phụ nữ hồi hương để kịp thời hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Những vấn đề đặt ra hiện nay liên quan đến thủ tục pháp lý đối với phụ nữ di cư hồi hương; Các vấn đề liên quan đến hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề đối với phụ nữ di cư hồi hương; Dịch vụ thiết yếu dành cho nhóm phụ nữ di cư hồi hương và đề xuất các dịch vụ cần thiết của Văn phòng OSSO. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan cùng với tổ chức Hội sẽ xây dựng, đề xuất các chính sách mang tính dài hơi nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.
Mỗi năm có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, trên 90% là phụ nữ. Theo số liệu của cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2019, tổng số cuộc hôn nhân giữa chồng Hàn Quốc và vợ Việt Nam là 105.439 cuộc, chiếm 23,57% tổng số cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài của Hàn Quốc. Giai đoạn 2011 - 2019, có 13.996 vụ ly hôn giữa vợ Việt Nam và chồng Hàn Quốc. Tính đến năm 2019, chỉ có 41.430 phụ nữ Việt Nam từ các cuộc hôn nhân Việt Nam – Hàn Quốc còn cư trú tại Hàn Quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn