Tài liệu can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ 'trăm hoa đua nở'

12:01 | 18/09/2018;
Hiện nay, có tới 49 bộ tài liệu dùng để can thiệp, giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên lại trong tình trạng “trăm hoa đua nở”, chưa có bộ tài liệu thống nhất, đầy đủ; chưa có sự liên kết liên ngành can thiệp trẻ tự kỷ.

Ngày 18/9, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) phối hợp tổ chức Hội thảo hoàn thiện đề cương tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Thực tế hiện nay, hạn chế lớn nhất là tài liệu giáo dục cho trẻ tự kỷ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa sát với thực tế.

Qua khảo sát nhu cầu sử dụng tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam tại 13 tỉnh/thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM… có tới 49 tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ đang được biết đến và sử dụng nhiều. Tuy nhiên, chỉ có 15,9% phụ huynh được hỏi là có biết nhiều và tiếp cận các tài liệu về rối loạn phổ tự kỷ.

Các tài liệu được sử dụng hằng ngày chủ yếu là qua báo mạng, trang web, video trên mạng (chiếm tới 30,6%) và các tài liệu phát tay, photo (chiếm 16,2%). Trong khi đó, sách có hội đồng khoa học đánh giá thông qua rất ít khi được sử dụng.

 

trung-tam-giao-duc-cong-dong-ha-giang-tre-tu-ky.jpg
Buổi học tại Trung tâm giáo dục cộng đồng TP Hà Giang.

 

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Nước ta có khoảng 200 ngàn người mắc chứng tự kỷ. Hiện có rất nhiều trường, tổ chức, cá nhân mở các trung tâm cả trường công và tư nhân liên quan đến lĩnh vực này. Dạy các con ở trường tự kỷ, mỗi người lại có phương pháp riêng, thời gian học, giáo viên dạy ra sao, chăm sóc, phát triển thể lực, trí tuệ cho các con thế nào lại rất khác nhau. Nhưng hiện nay vẫn chưa có bộ tài liệu quy chuẩn để mọi trung tâm, lớp học áp dụng theo.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTEVN: Tự kỷ đang là vấn đề xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chính sách cho đối tượng trẻ em bị tự kỷ chưa đầy đủ; khái niệm phân biệt đây là bệnh hay là tật cũng chưa rõ, khi y tế coi đây là bệnh, còn tâm lý giáo dục chưa phân biệt rõ là bệnh hay tật. Vì vậy, cơ sở pháp lý can thiệp vấn đề này đang gặp rất nhiều khó khăn.

trung-tam-giao-duc-cong-dong-ha-giang-tre-tu-ky2.jpg
Cần có bộ tài liệu can thiệp, giáo dục thống nhất dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh minh họa.

 

Tại hội thảo, ban soạn thảo cũng đưa ra dự thảo đề cương tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại cộng đồng. Trong đó bộ tài liệu gồm 2 phiên bản dành cho cán bộ can thiệp và phiên bản dành cho phụ huynh trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trong đó nội dung bộ tài liệu có các phần như: Hiểu đúng về tự kỷ, dấu hiệu nhận biết, đánh giá chẩn đoán; tư vấn và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ; phần nội dung chương trình giám sát và can thiệp cho trẻ; quản lý hành vi trẻ tự kỷ; phát triển giao tiếp xã hội và kỹ năng xã hội…

Nhiều đại biểu cho rằng, bộ tài liệu này không nên là sách giáo khoa, mà phải là bộ tài liệu ứng dụng “cầm tay chỉ việc” để cán bộ, người thân can thiệp cho trẻ bị tự kỷ. Đồng thời, dự án cũng cần tăng cường hơn nữa sự kết nối, phối hợp liên ngành y tế, giáo dục, xã hội học… cùng chung sức hỗ trợ trẻ tự kỷ trưởng thành, phát triển, có ích cho xã hội.

Quỹ BTTEVN có vai trò kết nối các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vào hỗ trợ trẻ tự kỷ thông qua dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Trong đó, tập trung vào 5 nội dung chính là: Phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt, giảng viên nguồn về tuyên truyền, hỗ trợ trẻ tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về trẻ tự kỷ. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn