Nội dung bài viết như sau:
"Ngồi sau tay lái, bạn đã trở thành 1 tên giết người tiềm tàng.
Mùng 3 tết, Chị giúp việc gọi từ quê, nói không thể lên Hà Nội làm giúp cho gia đình tôi nữa. Con trai chị vừa chết vì tai nạn giao thông.
11h30 mồng 2 Tết, thằng bé đi xe máy ở trung tâm thành phố Vinh, bị 1 xe ô tô đâm từ phía sau, chết ngay tại chỗ. Đường quá vắng. Chiếc xe bỏ chạy mất. 1 người chứng kiến kịp nhận ra đó là 1 xe bán tải màu xám.
Hiện công an vẫn đang truy tìm chiếc xe và tên giết người ngồi sau tay lái.
Đây không phải là 1 vụ tai nạn giao thông nữa. Là 1 vụ giết người.
Thằng bé 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Hứa sẽ đi làm để đỡ đần cho mẹ và giúp đứa em đang học đại học.
Lúc rảnh việc chị thường chịu khó nhặt nhạnh vỏ chai, túi nilon, bìa carton quanh khu nhà để thêm mấy đồng cho nó học đại học. Thật đau lòng.
Ảnh minh họa: Việt Nam là nước có tỉ lệ tai nạn giao thông cao so với các nước trong khu vực |
Tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam vào loại cao nhất thế giới. Tôi tin rằng lỗi chính không phải tại hạ tầng, tại phương tiện mà tại ý thức giao thông của người Việt Nam. Mà muốn cho người dân có ý thức không thể giáo dục, tuyên truyền suông. Cần phải phạt thật nặng.
Thần đồng Michael Phelps, người mang về cho nước Mĩ 61 huy chương vàng bơi lội quốc tế, đã bị phạt 1 năm tù vì tội lái xe sau khi uống rượu, dù anh chưa gây tai nạn.
Anh được toà cho chọn hình thức thử thách 18 tháng - dạy bơi cho trẻ em khuyết tật, mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ dưới sự giám sát của cảnh sát, thay cho tù ngồi. Tuy nhiên bị cấm thi đấu 6 tháng. Phí mời anh tham gia các giải đấu là triệu đô. Các nhà tài trợ lập tức cắt tiền quảng cáo. Thiệt hại về tiền đối với anh lên đến cả chục triệu USD. Không đơn giản nộp 15 triệu VNĐ là xong.
Anh còn phải tham gia 1 khoá cai rượu 45 ngày. Nếu trong 18 tháng thử thách mà anh có 1 lần uống rượu thì phải tù ngồi đủ 12 tháng.
Tôi nghĩ UB ATGT nên dựng nhiều biển cảnh báo TNGT thật rùng rợn trên các tuyến đường khắp cả nước, dán biển đầu lâu xương chéo kèm dòng chữ - "HÃY CẨN THẬN! BẠN CÓ THỂ GIẾT NGƯỜI" - trên tay lái tất cả các xe ô tô, như cảnh báo nguy hiểm trên các bao thuốc lá của nước ngoài. Bên ngoài mỗi xe cũng dán biển đầu lâu với dòng chữ - "HÃY CẨN THẬN! CHIẾC XE NÀY CÓ THỂ GIẾT BẠN".
Bình luận về nội dung chia sẻ của tác giả, facebooker Nguyen Chi Trung cho rằng: "Việc tăng thêm nhiều biển báo nguy hiểm cũng chẳng có tác dụng đâu. Bạn có thấy trên mỗi bao thuốc lá đều có hình ảnh cảnh báo hút thuốc có thể ung thư, nhưng cánh đàn ông có bỏ thuốc được đâu?".
"Theo tôi, cần phải tăng hình thức xử phạt người tham gia giao thông, cứ đánh vào túi tiền là dân ta sợ ngay!" - là ý kiến của tài khoản Thúy Hòa. Đồng tình với quan điểm này, facebooker Tuan Tu viết: "Tôi thích cách xử phạt của người Mĩ với Michael Phelps. Ở nước ngoài, vứt rác ra đường, để trẻ con dưới 12 tuổi ở nhà một mình... đều bị phạt cả. Có như vậy thì cuộc sống mới văn minh được các bạn ạ!".
Cũng có ý kiến cho rằng, tăng mức xử phạt là một chuyện nhưng người dân Việt Nam vẫn xử lí công việc theo kiểu 'nhất thân nhì quen'. Vừa bị cảnh sát giao thông giữ lại đã rút máy gọi hết ông này, bà kia nhờ can thiệp, thì có tăng mức phạt nữa cũng chẳng ăn thua - là ý kiến của Truong Thuy Ha.
Hay như facebooker Tuan Kiet lại suy nghĩ khác: "Không thể nói rằng việc tai nạn giao thông xảy ra ở Việt Nam nhiều là do ý thức người dân, tôi vẫn nghĩ là do cơ sở hạ tầng nữa. Ở các nước phát triển, ô tô chạy một đường, xe máy đi một đường, có lộn xộn như xứ mình đâu? Từ khi đi ô tô tôi mới nhận ra rằng, những người đi xe máy cứ thế tạt đầu ô tô, vô tình che tầm nhìn của người lái ô tô mà nếu người lái ô tô không điều khiển xe kịp thời thì tai nạn như bỡn. Nhưng những người đi xe máy lại không hiểu được rằng, hành động... tạt đầu ô tô của họ có thể là nguyên nhân gây tai nạn".
Hay như facebooker Tuan Kiet lại suy nghĩ khác: "Không thể nói rằng việc tai nạn giao thông xảy ra ở Việt Nam nhiều là do ý thức người dân, tôi vẫn nghĩ là do cơ sở hạ tầng nữa. Ở các nước phát triển, ô tô chạy một đường, xe máy đi một đường, có lộn xộn như xứ mình đâu? Từ khi đi ô tô tôi mới nhận ra rằng, những người đi xe máy cứ thế tạt đầu ô tô, vô tình che tầm nhìn của người lái ô tô mà nếu người lái ô tô không điều khiển xe kịp thời thì tai nạn như bỡn. Nhưng những người đi xe máy lại không hiểu được rằng, hành động... tạt đầu ô tô của họ có thể là nguyên nhân gây tai nạn".