Tàu trật đường ray |
Tại hiện trường, nhiều toa tàu nằm bẹp dúm, vỡ nát do đâm vào nhau khiến hành khách bị mắc kẹt bên trong. Tính đến tối 20/11, ông Daljit Singh Chawdhary - Giám đốc cảnh sát tỉnh Uttah Pradesh - cho biết, số người thiệt mạng trong vụ tai nạn ước tính là 107. Những người thiệt mạng đa phần tập trung ở 2 toa gần đầu máy.
Con số nạn nhân được cho là còn tiếp tục tăng do lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được những toa tàu bị phá hủy nghiêm trọng nhất. Đây được xem là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất Ấn Độ từ năm 2005.
Các toa tàu bị phá hủy nghiêm trọng |
Các đội cứu trợ và lực lượng Phản ứng nhanh với thảm họa Quốc gia được điều động tới hiện trường. Đội cứu hộ dùng nhiều loại máy móc để cưa, khoan, tháo dỡ các toa tàu, đưa nạn nhân ra ngoài. "Chúng tôi đang dùng mọi cách để cứu người. Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn rất lớn vì các toa tàu bằng sắt không dễ để cưa, khoan", quan chức đường sắt Pratap Rai cho biết.
Nhiều người bị thương được đưa đến bệnh viện |
Giữa khung cảnh hỗn loạn và tang thương, những người sống sót cố chui vào trong toa để kiếm người thân và lấy lại đồ đạc. Nhiều xe buýt đã được điều đến hiện trường để giúp những hành khách không bị thương tiếp tục hành trình.
Lực lượng cứu hộ hoạt động khẩn trương để cứu người |
Kanpur là thành phố công nghiệp lớn tại Ấn Độ và là điểm đến bắt buộc của nhiều hành trình xe lửa. Hàng ngày, các nhà ga ở thành phố Kanpur đón hàng trăm chuyến tàu khác nhau. Tai nạn khiến nhiều chuyến tàu đã phải đổi hướng, trong khi chuyến tàu khách chạy từ Jhansi tới Kanpur đã bị hủy.
Tai nạn đường sắt - Nỗi ám ảnh lớn với người Ấn Độ |
Ấn Độ là một trong số những quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới với lượng chuyên chở khoảng 20 triệu lượt người/ngày. Tuy nhiên, tai nạn đường sắt thường xuyên xảy ra tại Ấn Độ do tình trạng quá tải và thiếu an toàn. Theo một báo cáo gần đây của chính phủ Ấn Độ, khoảng 15.000 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt mỗi năm tại nước này. Tháng 3/2016, Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF), một tổ chức phi chính phủ về chính sách công, cho biết số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn đường sắt riêng tại thành phố Mumbai đã lên đến 3.500 người.