Vừa qua, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án cao tốc Trung Lương – TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, trong vụ án này có nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc, nguyên Phó Tổng giám đốc công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng).
Trong đó, Đinh Ngọc Hệ đã bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, để bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng) đã giao Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng) thành lập Hội đồng đấu giá.
Hội đồng đấu giá đã xác định số tiền trúng đấu giá phải được thanh toán xong trong 10 tháng, chia làm 3 kỳ; nếu chậm trả bất cứ kỳ nào sẽ bị phạt 150% giá trị chậm nộp theo ngày; nếu thanh toán chậm quá 30 ngày sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Đầu tháng 11/2013, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An dù chưa nộp đủ tiền đặt trước nhưng vẫn được chấp thuận tham gia đấu giá, tuy nhiên sau đó chỉ Công ty Yên Khánh "một mình" tham gia đấu giá.
Trúng đấu giá, Công ty Yên Khánh thỏa thuận với Tổng Công ty Cửu Long thay đổi một số nội dung của hợp đồng mẫu ban đầu. Điều kiện Bên A chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi bên B thanh toán chậm quá 30 ngày được thêm vào "mà không có lý do chính đáng". Điều kiện chịu phạt khi chậm thanh toán được điều chỉnh từ "150% giá trị tính theo ngày" thành "150% lãi suất cơ bản theo năm". Hợp đồng này được Nguyễn Hồng Trường phê duyệt.
Sau đó, Công ty Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng quy định, nhưng Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long đều không yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Như đã tính trước, để có "lý do chính đáng" kéo dài việc chậm trả tiền, ngày 22/7/2014, Công ty Yên Khánh kiến nghị được chỉ định làm nhà thầu xây dựng bổ sung 2 nút giao thông tuyến Tân Tạo – Chợ Đệm thuộc cao tốc Trung Lương và dùng tiền này cấn trừ tiền trúng đấu giá phải thanh toán.
Đến ngày 30/3/2017, sau 42 tháng thay vì 10 tháng như quy định ban đầu, Công ty Yên Khánh mới nộp hết hơn 2.004 tỷ đồng mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương bằng nguồn tiền vay ngân hàng và tiền thu phí.
Qua vụ việc trên cho thấy, có sự cấu kết, "bảo kê" cho nhau giữa một số lãnh đạo Bộ GTVT lúc đó và doanh nghiệp sân sau của Đinh Ngọc Hệ, dẫn tới thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
Sau vụ án cao tốc Trung Lương – TP. Hồ Chí Minh bị phanh phui, nhiều chuyên gia, luật sư đã có sự so sánh với nhiều sai phạm, khuất tất trong đấu giá mà công ty Kim Oanh đã trúng thầu.
Cụ thể, trong thời gian từ năm 2014 đến 2017 Agribank Chợ Lớn thông qua Công ty đấu giá Nam Sài Gòn bán các quyền sử dụng đất của Công ty Thiên Phú thuộc 3 dự án Hòa Lân, Cầu Đò, Mỹ Phước 4 đều tại Bình Dương để thu hồi nợ vay.
Với các lô đất khu B Dự án Mỹ Phước 4, Thông báo bán đấu giá cho hạn cuối cùng để nộp tiền đặt trước là 16h00 ngày 25/9/2015. Tới ngày 28/9/2015, quá 3 ngày, Công ty Thuận Lợi (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh) mới nộp 3 tỷ đồng tiền đặt trước nhưng vẫn được tham gia đấu giá "một mình" và sau đó trúng đấu giá với giá khởi điểm.
Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền đấu giá trong hạn 30 ngày. Sau khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, Agribank Chợ Lớn thỏa thuận cho phép Công ty Kim Oanh đổi lịch thanh toán thành nhiều kỳ, kéo dài gần 1 năm sau. Thực tế thì sau 18 tháng, kể từ khi đấu giá thành, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền.
Tại dự án khu A Mỹ Phước 4 cũng tương tự như vậy, Công ty Kim Oanh "một mình" đấu giá và trúng. Tuy nhiên lại dây dưa, chậm thanh toán tiền trúng đấu giá.
Điển hình tại dự án Hòa Lân (Bình Dương), thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trên thực tế, gần 2 năm sau, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiển mua tài sản trúng đấu giá.
Lý do chậm thanh toán được Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn và Công ty Kim Oanh cùng xác định là "khách quan" – điều kiện không hề có trong hồ sơ đấu giá ban đầu, mà chỉ được bổ sung sau trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Các luật sư cũng chỉ ra các sai phạm trong quá trình đấu giá của Công ty Kim Oanh. Các vụ việc đấu giá của Công ty Kim Oanh đều có những dấu hiệu, điểm giống với "kịch bản" vụ Út "Trọc" đấu giá mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương như: Doanh nghĐược đánh giá là doanh nghiệp không có năng lực tài chính, bằng mọi cách trúng đấu giá, sau đó sửa đổi hợp đồng mua tài sản đấu giá khác với hồ sơ đấu giá ban đầu, kéo dài thời gian thanh toán, thực hiện không đúng Hợp đồng, trục lợi từ chính tài sản mình mua được.
Tại dự án Hòa Lân rộng tới 50 ha, nếu trừ đi các hạng mục công cộng vẫn có giá trị ít nhất là 5.000 tỷ đồng. Hiện theo giá giao bán trên các trang mua bán bất động sản, đất khu vực này đang giao động ở mức 30 triệu đồng/m2. Công ty Kim Oanh trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án Hòa Lân với giá 1.353 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh không phải là chủ đầu tư Dự án.
Tổng hợp các khoản chi phí khác, công ty Kim Oanh chỉ phải bỏ ra hơn 1.750 tỷ đồng cho hàng trăm hecta đất ở cả 3 dự án có giá trị thị trường theo một số chuyên gia ước tính lên hơn 5.000 tỷ đồng. Số tiền hiện chưa thu hồi được sau khi bán đấu giá các tài sản trên cho Công ty Kim Oanh do chính Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn nêu là trên 2.000 tỷ đồng. Thanh tra Chính Phủ đã xác định việc Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay có dấu hiệu hình sự.
Về vấn đề chấp hành pháp luật, uy tín doanh nghiệp thì Công ty Kim Oanh đều bị đánh giá "có vấn đề". Công ty này đã bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra tại dự án Mỹ Phước 4.
Với hàng loạt vấn đề như vậy, dư luận có quyền đặt ra nhiều lo lắng thất thoát tài sản công vì cách trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh, đặc biệt sau khi vụ án Út Trọc bị phanh phui.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn