Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ?

09:05 | 21/06/2023;
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, có một món ăn rất đặc trưng làm nên "linh hồn" của nghi thức diệt sâu bọ, đó là món cơm rượu nếp.

Tết Đoan Ngọ, hay Tết Đoan Dương là một trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vào ngày mùng tháng 5 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị các món ăn đặc trưng để đón Tết Đoan Ngọ, trong đó không thể thiếu được cơm rượu.

Vì sao lại ăn cơm rượu vào Tết Đoan Ngọ?

Tết Đoan Ngọ với tên gọi dân dã là Tết diệt sâu bọ. Thời tiết lúc này nắng to, nhiệt độ tăng cao, oi bức. Đây cũng là lúc thời tiết thay đổi thất thường, nắng to cũng có mưa lớn khiến nhiều dịch bệnh phát sinh. 

Tết Đoan Ngọ không chỉ là dịp cầu cho mùa màng bội thu, loại trừ sâu bệnh phá hoại mà dân gian còn tin rằng, ăn cơm rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ sẽ tác dụng diệu kỳ. Cơm rượu hội tụ ngũ vị có thể làm cho các loại "sâu bọ" ký sinh trong cơ thể người "say rượu" mà chết đi.

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 1.

Ảnh: Bếp Hoa

Chính vì vậy, vào buổi sớm ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường ăn cơm rượu nếp và hoa quả có vị chua ngọt để "diệt sâu bọ". Cũng không tự nhiên cơm rượu được chọn là món ăn đặc trưng để nghênh đón Tết Đoan Ngọ, bởi chúng rất giàu dinh dưỡng và giúp giải nhiệt trong ngày hè nắng nóng.

Lớp cám ở gạo nếp giàu dưỡng chất, vitamin và khoáng chất. Hạt gạo nếp lên men, khi chín "ngấu" nhiều chất xơ lẫn vitamin B. Ăn cơm rượu kèm nước lẫn cái trong ngày hè nóng không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh tật khác.

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 2.

Ảnh: Bếp Hoa

Chưa kể, cơm rượu nếp là món đặc trưng của người Việt. Ăn cơm rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ cũng là cách tôn vinh sự phong phú của ẩm thực dân tộc. Vị chua chua ngọt ngọt, kết cấu mềm, dẻo có mùi rượu thoang thoảng rất thơm đã chiếm được cảm tình của bất cứ ai khi thử qua món cơm rượu này.

Cơm rượu được làm như thế nào? Cơm rượu nếp 3 miền Bắc Trung Nam có gì khác nhau?

Cách thực hiện cơm rượu không khó. Cơm rượu nếp được làm từ gạo nếp lên men. Gạo nếp được đồ chín thành xôi, để nguội sau đó trộn với men rượu. Ủ tiếp trong vài ngày. Cơm rượu thành phẩm khi "ngấu" sẽ có vị chua, ngọt, đắng nhẹ, cay, nóng ăn rất kích thích vị giác.

Ngoài miền Bắc thường ăn bánh gio mật mía, miền Trung, miền Nam lại ăn bánh ú. Nhưng 3 miền đều ưa chuộng món đặc trưng trong ngày Đoan Ngọ là cơm rượu. Tuy nhiên, món ăn "sát trùng" đường tiêu hóa được yêu thích trong ngày Tết Đoan Ngọ ở mỗi miền đều có sự khác biệt nhất định. 

Cơm rượu nếp miền Bắc

Cơm rượu miền Bắc thường được làm bằng gạo nếp lứt hoặc gạo nếp cẩm. 

Nguyên liệu cần thiết gồm 500g gạo nếp lứt hoặc nếp cẩm, 6g men rượu thuốc bắc, lá sen hoặc lá dong để bọc. Định lượng có thể thay đổi tùy thuộc vào số lượng người ăn, bạn có thể cân nhắc cho phù hợp.

Gạo nếp mang đãi sạch, ngâm trong nước khoảng 6 giờ để nếp nở đều, nấu sẽ nhanh chín và ngon hơn. Gạo ngâm xong mang vo thêm lần nữa và cho vào nồi đồ chín mềm và dẻo.

Ảnh: Sạch+

Men mang bỏ trấu, cán mịn hoặc giã nhuyễn. Cho cơm ra khay lớn hoặc cái mẹt, đãi cơm nếp đều ra để nguội. Sau đó, rắc men lên và trộn đều để men lẫn gạo quyện vào nhau. Dùng lá sen hoặc lá dong gói cơm nếp vào và đặt trong cái nồi. Đậy nắp lại và ủ kín trong khoảng 3-4 ngày. Nếu không dùng lá bạn có thể bỏ vào hũ thủy tinh là được.

Ảnh: Bếp Hoa

Thành phẩm cơm rượu nếp dậy mùi thơm của rượu, ngọt của nếp, hạt nếp bóng tròn, nở đều hấp dẫn. Khi ăn bày ra bát nhỏ hoặc trong ống tre tạo hình đẹp mắt để bày biện lên mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.

Cơm rượu nếp miền Trung

Người miền Trung có cách làm cơm rượu khác biệt hơn một chút. Gạo nếp trắng mang đãi sạch và được ngâm từ 4 đến khoảng 6 giờ rồi vớt ra để ráo. Men rượu bỏ trấu mang cán nhuyễn, có thể dùng máy xay hoặc cối để làm mịn. Tiếp đó, pha một tô nước muối loãng.

Trộn khoảng 1 thìa đường vào nếp rồi xóc đều. Cho nếp vào nấu chín với một lượng nước xâm xấp. Nếp chín dùng đũa xới đều để nếp tơi và chín đều hơn. Sau khi nếp chin, đổ ra mẹt để nguoij. Khi nếp còn ấm, rải đều men lên. 

Ảnh: Internet

Nhúng tay vào bát nước muối loãng để viên cơm rượu. Hoặc có thể cho nếp vào khay hình chữ nhật, nén xuống, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, ủ nơi thoáng mát khoảng 3 ngày. Phần rượu nếp sau khi ủ có thể mang thưởng thức luôn hoặc nấu nước đường loãng. Cho cơm rượu vào lọ, đổ nước đường loãng vào, đậy kín. Đợi thêm khoảng nửa ngày là dùng được.

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 6.

Ảnh: Internet

Cơm rượu nếp miền Nam

Cơm rượu nếp miền Nam có thể dùng thêm lá chuối để lót, nếu không có thì bỏ qua. Gạo nếp mua về mang vo sạch và cũng ngâm nước trong khoảng 3 giờ. Trong quá trình ngâm, hoà một chút muối vào nước ngâm sẽ giúp cơm rượu đậm đà hơn sau khi nấu.

Ví dụ khoảng 500g gạo nếp thì nấu với 200ml nước, không nên cho nhiều nước kẻo cơm rượu nhanh chua, còn quá ít nước thì cơm rượu sẽ khô và cứng. Gạo sau khi nấu chín cho ra khay, đãi chúng tơi ra để nguội bớt. 

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 7.

Ảnh: B.Phương

Với 500g gạo nếp thì dùng khoảng 5g men ngọt, mang giã nhỏ, càng mịn càng tốt. Rắc men vào lúc gạo nếp còn ấm. Nếu dùng lá chuối thì trải lá chuối, cho một lớp xôi nếp lên, rải đều men, rồi lặt mặt dưới của xôi qua lá chuối khác, rắc thêm lớp men vào bên dưới. Khi cho men vào lúc nếp còn ấm thì cơm rượu sẽ lên men nhanh hơn.

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 8.

Ảnh: Cô Ba Bình Dương

Lúc này cũng chuẩn bị một bát nước muối loãng để vo cơm rượu dễ dàng hơn. Nhúng tay vào bát nước muối, lấy nếp để khỏi dính, viên tròn lại. Có thể dùng lá chuối cuốn quanh từng viên cơm rượu để khi ủ thơm mùi lá chuối. 

Các viên cơm rượu cho vào hũ, đậy kín và ủ trong khoảng 3 ngày là chín. Nhớ đặt nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời. 

Nên ăn cơm rượu nếp vào lúc nào?

Cơm rượu nếp được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ không phải ngẫu nhiên bởi chúng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

Cơm rượu nếp có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bởi lớp cám gạo chứa nhiều chất xơ, glucid, các vitamin nhóm B có thể hạn chế lượng đường trong máu, phòng ngừa được bệnh tiểu đường hiệu quả. Đồng thời, món ăn này có thể giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu và ổn định huyết áp.

Ngoài ra, cơm rượu giúp tăng cường sức khoẻ hệ tiêu hóa, giảm chứng khó tiêu, đầy bụng. Chưa kể, cơm rượu chứa vitamin E, vitamin B cùng dưỡng chất có lợi cho làn da, giúp chống lại quá trình lão hóa, làm ẩm và nuôi dưỡng da từ bên trong. Đặc biệt, cơm rượu có thể hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả.  

Tại sao cơm rượu là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? - Ảnh 9.

Mặc dù cơm rượu nếp có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng cần ăn với liều lượng vừa phải và thời điểm ăn cũng cần hợp lý. Sau khi ủ chín, cơm rượu nếp có thể để được trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần từ 3-5 ngày.

Cơm rượu bạn muốn ăn lúc nào trong ngày cũng được, nhưng tốt hơn cả vẫn là buổi sáng. Nhưng không nên ăn lúc bụng quá đói, đặc biệt là những người bị đau dạ dày. 

Hy vọng với các cách thực hiện cơm rượu nếp khác nhau của nhiều vùng miền, bạn có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị của cơm rượu ngày Tết Đoan Ngọ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn