Tại phiên thảo luận ngày 28/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo các đại biểu Nguyễn Như So (đoàn ĐBQH Bắc Ninh), đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH Quảng Ninh), thì "chương trình hỗ trợ lãi suất lãi suất 2% mới chỉ giải ngân chưa đến 0,1%, triển khai rất chậm và khó khăn, chưa mang lại hiệu quả".
Thực tế hiện nay, kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại mới giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022. Phân tích thêm nguyên nhân triển khai chậm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, cho rằng: Quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ liên quan đến đối tượng đủ điều kiện vay là "khách hàng có khả năng phục hồi". Nhưng theo đại biểu, bản thân khách hàng mặc dù đã có khả năng trả nợ, nhưng cũng không dám khẳng định có khả năng phục hồi.
Vấn đề này thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng, như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng. Hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến chiều hướng kinh doanh của khách hàng. Vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, đồng USD tăng giá, rất khó để đánh giá, đáp ứng tiêu chí phục hồi.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội để sửa đổi Nghị quyết 43 theo hướng không đặt ra quy định về khách hàng có khả năng phục hồi để thuận lợi hơn khi thực hiện gói hỗ trợ 2%.
Làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu. NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên về thực tiễn, "số liệu thực hiện được còn rất thấp. Sự giám sát từ sớm, từ xa và những phân tích, đánh giá nguyên nhân của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn chính xác. NHNN và các bộ, ngành sẽ có những đánh giá trong thời gian tới", Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cho biết thêm, vừa qua chúng ta đã tổ chức các cuộc khảo sát liên ngành, đi thực tế các địa phương. Có địa phương, trong số 183 khách hàng đủ điều kiện vay vốn từ Chương trình này nhưng có tới 126 khách hàng không quan tâm đến hỗ trợ lãi suất và 46 khách hàng chưa có phản hồi.
"Đây là điểm cần phải quan tâm và trong thời gian tới sẽ phối hợp để đánh giá, tiếp tục khảo sát và sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội", Thống đốc NHNN nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn