Công nghệ thẩm mỹ ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người cũng ngày càng cao, việc can thiệp dao kéo để sở hữu những đặc điểm ngoại hình như mong muốn đã không còn quá xa vời.
Trong số các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, vùng mặt được quan tâm nhiều hơn cả như cắt mí mắt, căng da mặt, nâng mũi, độn cằm, gọt hàm… Đã gọi là phẫu thuật sẽ luôn có những tác động nhất định tới kết cấu gương mặt tự nhiên ban đầu và cơ thể cũng sẽ có những phản ứng nhất định. Trong đó, sưng phù hay bầm tím sau phẫu thuật là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng có khi đó là dấu hiệu cho biết xuất hiện biến chứng.
Trong showbiz ghi nhận nhiều trường hợp sao nữ xuất hiện lạ lẫm với gương mặt biến dạng, căng phồng khó nhận ra. Được dư luận quan tâm hơn cả có Diệp Lâm Anh và người mẫu Kỳ Hân.
“Hoa hậu làng hài” Thu Trang cũng phải chảy nước mắt sau ca tân trang nhan sắc của mình. Cô cho biết cảm thấy sợ hãi vì gương mặt sưng phồng, không nhận ra bản thân mình và sợ khán giả không nhận ra mình.
Bà xã Tiến Luận thừa nhận đã cắt mí mắt và cấy mỡ mặt tự thân để trẻ trung hơn.
Lý giải hiện tượng sưng phù sau PTTM
Một số ca phẫu thuật thẩm mỹ gây vết thương hở như cắt mí, nâng mũi, độn cằm, căng da mặt… Những trường hợp cấy mỡ tự thân, tiêm filler, tiêm botox dù không rạch da nhưng đưa chất liệu lạ bằng kim cũng gây sưng bầm nhưng có thể ở mức độ nhẹ hơn.
Đối với phẫu thuật thẩm mỹ hay bất kỳ ca phẫu thuật lớn nhỏ nào trong y khoa cũng đều sẽ xảy ra hiện tượng này, ngay cả với việc bạn bị trầy xước một chút hay vấp ngã cũng dễ dàng bị sưng ngay vị trí chấn thương.
Sưng phù hay có bầm tím được xem là một biểu hiện bình thường, là cơ chế tự chữa lành của cơ thể khi bị tác động. Lưu Đê Ly cũng từng gây sự chú ý khi đăng tải hình ảnh gương mặt sưng bầm sau ca "đập đi xây lại", sau đó ít lâu nhan sắc đã ổn định nhiều.
Trong đó, cơ chế tự chữa lành của cơ thể khi có vết thương hở được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn cầm máu: Khi vết thương chảy máu sẽ kích hoạt các tiểu cầu và yếu tố đông máu, tác động lên mao mạch nhỏ, hình thành cục máu đông để hạn chế sự chảy máu.
- Giai đoạn viêm: Khi bị tổn thương tế bào cơ thể, phản ứng miễn dịch sẽ được kích hoạt còn gọi là viêm. Các tế bào bạch cầu sẽ đến vị trí vết thương thực bào để làm sạch và tiêu diệt vi khuẩn. Khi bị viêm, vết thương sẽ sưng, đỏ và có cảm giác đau. Nhưng thường sẽ mất đi sau 1 – 3 ngày đầu/
- Giai đoạn tăng sinh: Các mô liên kết mới được hinh thành để làm lành, khép miệng vết thương
- Giai đoạn tái tạo: Lúc này cơ thể sẽ sản sinh thêm collagen để tái cấu trúc lại vết thương. Và sau giai đoạn này sẽ có thể để lại sẹo nên cần chăm sóc vết sẹo phù hợp cho mờ dần.
Như vậy, hiện tượng bị sưng phù hay thậm chí là bị bầm vàng bầm tím sau khi phẫu thuật thẩm mỹ cho thấy cơ thể đang hoạt động để chữa lành vết thương nên chị em cũng không cần quá lo lắng. Bình thường, sưng bầm sẽ giảm và hết dần sau khoảng vài ngày đến 1 tuần.
Mẹo giảm nhanh hiện tượng sưng phù
Nằm đặt đầu cao hơn
Khi PTTM vùng mặt nên đặt gối nằm cao hơn bình thường, tạo thành góc 45 độ để hạn chế việc máu dồn nhiều hơn về phía mặt sẽ gây sưng tấy nhiều hơn.
Chườm lạnh/ấm
Trong 3 ngày đầu sau PTTM, chườm lạnh là cách được nhiều cơ sở áp dụng và khuyên khách hàng để giúp giải quyết tình trạng sưng phù cũng như giảm đau tốt hơn. Sau đó, sẽ đổi sang phương pháp chườm ấm để lưu thông máu và thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương nhanh hơn.
Mỗi phương pháp sẽ có những cách chườm khác nhau nên tốt nhất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ
Chú ý chế độ ăn uống
Nên uống nhiều nước hơn để giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, đào thải những chất cặn bã trong cơ thể. Nên ăn nhạt hơn cũng giúp điều hòa nồng độ natri có tác động đến biểu hiện sưng phù.
Ngoài ra nên kiêng hoàn toàn thuốc lá cả trước và sau khi phẫu thuật theo yêu cầu của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Vì cơ thể sẽ mất rất nhiều năng lượng sau ca phẫu thuật, vì thế nên chú ý tăng cường sức khoẻ, sinh hoạt điều độ hơn. Đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc, lựa chọn những phương pháp vận động nhẹ nhàng,… cũng tác động rất tốt đến cơ thể và quá trình lành thương.
Sưng phù sau PTTM nguy hiểm khi nào?
Khi sau khoảng 1 tuần nhưng vết sưng không bớt, vết bầm thậm chí còn lan rộng sậm màu hơn kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, hãy cẩn trọng và yêu cầu sự hỗ trợ từ bác sĩ vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng hay gặp biến chứng thẩm mỹ.
Nguyên do của vấn đề này có thể vì:
- Bác sĩ phẫu thuật thực hiện sai quy trình, không có chuyên môn
- Cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo được các điều kiện an toàn y tế như phòng phẫu thuật vô trùng, dụng cụ đảm bảo vô khuẩn, máy móc trang thiết bị phù hợp
- Cơ thể không chấp nhận và đào thải vật liệu thẩm mỹ như khi sụn nâng mũi, chất làm đầy…
- Do quá trình chăm sóc, vệ sinh vết thương sau khi phẫu thuật chưa đúng cách: Vệ sinh không sạch sẽ, sát khuẩn chưa đúng, vết thương hở bị dính nước hay tiếp xúc bụi bẩn…
Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không uy tín, quy trình thưc hiện cũng như hậu phẫu không không được đảm bảo là những yếu tố gây ra các vấn đề không mong muốn sau thẩm mỹ.
Sưng phù kéo dài cộng với nhiều dấu hiệu bất bình thường khác nữa có thể bạn đã gặp biến chứng thẩm mỹ.
Nhan sắc biến dạng, da đỏ au lên, cóc bộ phận đều căng bóng như nhựa là tình trạng của tỷ phú Jocelyn Wildenstein.
Một số dấu hiệu cho biết bạn đang gặp biến chứng thẩm mỹ như:
Ngoài sưng đau không thuyên giảm, một số dấu hiệu khác cũng phản ánh tình trạng biến chứng thẩm mỹ như:
- Tụ dịch bầm tím ngày một nhiều
- Ngứa ran, đỏ vùng thẩm mỹ
- Vết thương hở bị chảy dịch mủ hoặc có lẫn với máu
- Tại vị trí vết thương xuất hiện mùi hôi khó chịu
- Xuất hiện các nốt, bọc ổ mủ xuất hiện trên vùng mặt
Trong những trường hợp này, chị em nên tới bệnh viện, cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Không chỉ sưng đau, da có thể bị chọc thủng, nhiều trường hợp còn bị ảnh hưởng nặng tề tới các cơ quan khác như ảnh hưởng tới mắt, nhiễm trùng máu...
9x Hà Nội chia sẻ ám ảnh do gặp biến chứng sau khi gặp biến chứng độn cằm và tiêm filler.
Nhất định không được chủ quan dù là ca thẩm mỹ đơn giản nhất. Để đảm bảo an toàn cho bản thân khi lựa chọn bất kỳ hình thức thẩm mỹ nào, nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, phương pháp, cơ sở thực hiện có uy tín được cấp giấy phép hoạt động không, tay nghề bác sĩ chuyên môn và có giấy phép hành nghề hay chưa.
Cũng như những lưu ý khi chăm sóc hậu phẫu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn