* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Trường đại học tôi đang theo học tại Mỹ có một câu khẩu hiệu "Challenge Convention. Change Our World" (tạm dịch: Thách thức những chuẩn mực. Thay đổi thế giới) Trong bài diễn văn bế giảng 2023, một ai đó đã phát biểu.
"Today's world needs individuals who aren't afraid to be themselves, and who aren't afraid to challenge convention".
"Thế giới ngày nay cần những cá nhân không sợ hãi là chính mình, và cả những người sẵn sàng thách thức những điều được coi như chuẩn mực".
Mỗi khi nghĩ về bài diễn văn bế giảng tại Clark University, tôi lại nghĩ tới những cuộc thảo luận xoay quanh bộ phim The Little Mermaid - Nàng Tiên Cá mới của Disney. Song song với những ý kiến về chất lượng bộ phim (kịch bản, diễn xuất…) ngay từ khi tạo hình nhân vật Ariel mới xuất hiện cách đây rất lâu, một làn sóng công kích diễn viên da màu Halle Bailey đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Nàng tiên cá - Ariel, phiên bản 1989 được coi là một "chuẩn mực" trong lòng khán giả Việt Nam và thế giới.
Khi phải đối diện với những quan điểm, giá trị và tư tưởng mới, chúng ta thường có xu hướng rơi vào tình trạng "cognitive dissonance" (tạm dịch: bất hòa nhận thức). Bất hòa nhận thức khiến mỗi người cảm thấy không thoải mái khi niềm tin, giá trị bản thân bị thách thức. Đôi khi, việc phải chấp nhận một niềm tin cá nhân cố hữu là sai lầm, chấp nhận một tư tưởng mới đi ngược hoàn toàn với quan điểm cá nhân là điều không hề dễ dàng.
Chấp nhận Halle Bailey trong vai Ariel nói riêng và chấp nhận việc Disney ngày càng mang đến nhiều thông điệp về đa dạng, bình đẳng hơn không hề dễ dàng. Nó không đơn thuần là việc: "À, từ nay chúng ta sẽ có thêm một công chúa da màu nữa".
Với nhiều người, đó là sự thay đổi quan điểm về cái đẹp (vẻ đẹp phương Tây da trắng, mắt xanh là chuẩn mực), thay đổi quan điểm về thế giới cổ tích với những cô công chúa hoàng tử quen thuộc (công chúa và hoàng tử lúc nào cũng phải xinh đẹp, không được xấu), thay đổi quan điểm về vấn đề sắc tộc (người da màu không thể đóng những vai vốn phải đo ni đóng giày cho người da trắng), thay đổi quan điểm về vai trò của phụ nữ (nàng tiên cá mới của Halle Bailey thực sự "sick of swimming, ready to stand" - chán chường với biển cả và sẵn sàng đứng lên trên đôi chân của mình).
Xa hơn nữa, chấp nhận Ariel của Halle Bailey là chấp nhận thế giới sẽ trở nên "woke" hơn - một từ có thể hiểu đơn giản là việc nhiều người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là những người trẻ, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề chính trị - xã hội đương thời như quyền LGBTQ+, nạn phân biệt chủng tộc… Tuy nhiên, "woke" cũng được sử dụng nhiều hơn với nghĩa châm biếm. Khi khán giả chấp nhận Ariel của Halle Bailey, đồng nghĩa với việc trong tương lai họ sẽ chấp nhận nhiều nhân vật LGBT, nhiều nhóm thiểu số hơn trong thế giới điện ảnh, tiếng nói phụ nữ cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Sự bất hòa nhận thức này quả thật không hề dễ dàng, vượt qua ranh giới của một tác phẩm điện ảnh.
Khi gặp phải sự bất hòa nhận thức, không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi quan điểm cá nhân và nương theo quan điểm mới - điều này cần thời gian cũng như cần sự thay đổi lớn hơn trong xã hội.
Không thay đổi thì họ sẽ làm gì?
Lảng tránh nó. Nhiều người chọn không đi xem phim bằng mọi cách, "không thèm tải phim lậu cho tốn dung lượng máy tính" hay "nhất quyết không làm giàu cho Disney".
Hạ uy tín và phê phán những quan điểm mới. "Công chúa gì mà khó nhìn vậy", "hoàng tử này bị làm sao mới yêu công chúa như vậy".
Tìm đồng minh. Họ tiếp tục chê bai, lôi kéo người khác cùng chê bai trên mọi "chiến tuyến".
Cuộc vật lộn với "The Little Mermaid" của nhiều người thực chất là cưỡng lại việc phải tiếp nhận một hệ tư tưởng, giá trị, quan điểm mới chứ không đơn thuần là đón nhận một diễn viên. Họ sẽ cố gắng làm vậy, bằng mọi cách. Và "The Little Mermaid" có thể là tấm bia đỡ đạn, không phải đầu tiên nhưng dồn dập nhất, trong làn sóng "anti-woke" mạnh mẽ này.
Những người phản đối trào lưu "woke" thường có câu cửa miệng "go woke, go broke" - hiểu đơn giản là cứ nữ quyền với LGBT đi rồi không có ai đi xem phim (trong bối cảnh thế giới điện ảnh). Nhiều người đang hả hê vì con số phòng vé quốc tế èo uột, mà quên đi mất, doanh thu của Disney không đến nhiều từ doanh thu phòng vé mà đến rất nhiều từ các vật phẩm, sản phẩm đi kèm hay những dịch vụ ăn theo một bộ phim (Ngay khi "The Little Mermaid" vừa ra mắt, hãng đồ ăn nhanh McDonald's cũng tung ra các bộ vật phẩm bán và tặng kèm, chưa kể các sản phẩm chính hãng từ Disney).
Nếu con số phòng vé đạt ngưỡng hòa vốn, tôi cho rằng đó đã là một thành công.
Với cá nhân tôi, "The Little Mermaid" 2023 ra đời đã là một sự thành công dù biết rằng làn sóng chỉ trích sẽ rất lớn. Tất nhiên, Disney là một công ty và doanh thu sẽ luôn là yếu tố quan trọng họ cần quan tâm. Sự thất bại của "The Little Mermaid" về mặt doanh thu có thể khiến Disney cân nhắc trong những bộ phim tới. Nhưng chí ít ở thời điểm hiện tại, bên cạnh làn sóng chỉ trích và phản đối, bộ phim cũng đã gợi mở ra những cuộc thảo luận "khó" và để mọi người đối diện với những bất hòa nhận thức của cá nhân.
Tôi ủng hộ "The Little Mermaid" và sự xuất hiện của Halle Bailey như một nàng tiên cá mới cho trẻ em trên toàn cầu. "The Little Mermaid" phiên bản 2023 không chỉ là một bộ phim hoạt hình - đằng sau đó là thông điệp thay đổi tôi tin rằng trẻ nhỏ (và cả người lớn) trong thế giới hiện đại nên đón nhận.
***
Tại sao khẩu hiệu của trường tôi lại để "Change Our World" sau "Challenge Convention?" Nếu chúng ta cứ bám lấy những điều được coi là chuẩn mực, nếu không chấp nhận đối mặt với cognitive dissonance (bất đồng nhận thức) của bản thân, nếu không mở lòng với những điều mới, có lẽ sẽ khó có thể "thay đổi thế giới".
Có nhiều điều tôi chưa hài lòng về bộ phim "The Little Mermaid", có nhiều điều Disney cần tinh tế hơn khi thay đổi một tác phẩm đã quá nổi tiếng nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, thách thức những giá trị "chuẩn mực" là điều nên làm.
Hy vọng những ông bố, bà mẹ vẫn ngày đêm mong con cái mình sẽ trở thành một công dân tử tế trong xã hội với ước mơ "thay đổi thế giới" không phải là những người đang tiếp tục tấn công một diễn viên trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn