Mái tóc vàng thường xuất hiện ở người da trắng gốc châu Âu. Tuy nhiên, có một số quần thể người có nước da sẫm màu những vẫn xuất hiện màu tóc vàng tự nhiên. Họ được gọi là "Melanesians".
Jules Dumont D'Urville (một nhà thám hiểm và sĩ quan hải quân người Pháp đã khám phá Nam và Tây Thái Bình Dương, Úc, New Zealand và Nam Cực) đã đưa ra thuật ngữ "Melanesia" lần đầu tiên vào năm 1832 để chỉ một tập hợp cụ thể các đảo tách biệt khỏi Micronesia và Polynesia.
Người bản địa Melanesia sinh sống tại một chuỗi đảo ở phía đông bắc Australia và họ xuất hiện ở các quốc gia như Fiji, Papua New Guinea, New Caledonia và đảo Solomon (đều thuộc quần đảo Melanesian). Mái tóc vàng tự nhiên và nước da ngăm đen khiến người Melanesia nổi bật giữa các nhóm dân tộc khác.
Theo thống kê từ Historyofyesterday, sẽ có từ 5 đến 10 phần trăm người bản địa Melanesian sở hữu mái tóc vàng. Nguồn gốc mái tóc vàng của người Melanesian do đó cũng trở thành chủ đề của một số giả thuyết khoa học trong nhiều năm.
Đã có nhiều giả thuyết cho rằng mái tóc vàng của họ đến từ một nguồn gen châu Âu. Có thể trong quá khứ đã có những thương dân châu Âu có mái tóc vàng tới đây sau đó ở lại và sinh con với những người dân bản địa. Tuy nhiên khi khoa học ngày càng phát triển, giả thuyết này đã bị giới khoa học bác bỏ. Nghiên cứu sâu hơn cũng đã chỉ ra rằng đột biến gen là nguyên nhân gây ra hiện tượng độc đáo này.
Trên thực tế, người Melanesian là những người đa sắc tộc sống ở khu vực Melanesia, phía Tây Thái Bình Dương. Cái tên "Melanesian" dùng để chỉ nước da sẫm màu của người bản địa trong vùng và bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp "melas", có nghĩa là "đen" và "nesia" có nghĩa là "hòn đảo".
Người Melanesian có một di sản văn hóa phong phú đã được truyền lại qua nhiều năm dưới hình thức một loạt các tập tục và tín ngưỡng truyền thống. Nền nông nghiệp tự cung tự cấp của họ phụ thuộc vào các loại cây trồng như khoai mỡ, khoai môn và khoai lang để nuôi sống. Cùng với các điệu múa, âm nhạc và nghệ thuật truyền thống, văn hóa Melanesia còn được biết đến với các nghi lễ, thờ cúng tổ tiên và lễ hội đánh cá.
Nghiên cứu sâu hơn cũng chỉ ra rằng có một loại đột biến gen cụ thể mang lại cho những người dân thuộc hòn đảo Solomon mái tóc vàng. Hơn nữa, đột biến gen của họ hoàn toàn tách biệt và không có trong bộ gen của người châu Âu.
Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu nước bọt của 43 người tóc vàng và 42 người tóc đen trên quần đảo đẻ phân tích mẫu gen đằng sau màu tóc kỳ lạ này.
Kết quả cho thấy một gen mang tên TYRP1 trên nhiễm sắc thể thứ 9 của 23 cặp nhiễm sắc thể trong con người chính là nguyên nhân tạo ra 46,4% biến đổi màu tóc của cư dân trên đảo. Biến thể gen này tác động lên một enzyme có vai trò hình thành màu da của con người.
Sean Myles, một nhà di truyền học từ Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nova Scotia ở Canada, cũng phát hiện ra rằng những người sở hữu mái tóc vàng tại đây mang gen đột biến TYRP1 sau khi thực hiện một nghiên cứu di truyền trên các mẫu tóc và nước bọt của 1209 người Melanesian từ đảo Solomon.
Trong khi đó, đột biến gen này không có ở người da trắng. Thay vào đó, đột biến gen này có vẻ đã xuất hiện độc lập và tồn tại trong cộng đồng người Melanesianb. Hơn nữa, TYRP1 cũng xuất hiện phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi và vì nó là gen lặn nên tóc vàng này cũng sẽ trở nên sẫm màu hơn khi những đứa trẻ lớn lên và trở thành người lớn. Ngoài những người trẻ tuổi, phụ nữ Melanesian lớn tuổi cũng có mái tóc vàng.
Thông thường, mái tóc chúng ta sẽ trở nên tối hơn vì số lượng eumelanin tăng khi chúng ta già đi (cho đến khi tóc bắt đầu bạc). Và vì một số gen không hoạt động cho đến khi được kích thích bởi những hooc-môn lần đầu tiên được giải phóng ở tuổi dậy thì, có lẽ màu tóc tự nhiên "thật sự" của chúng ta sẽ không xuất hiện cho đến thời thanh niên. Tóc không phải là đặc điểm duy nhất tự nhiên đổi màu khi bạn già đi – với khoảng 10 - 15% dân số, mắt họ cũng đổi màu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn