Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Phát biểu tại tổ 8, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng, có 4 thành tố quan trọng tạo an sinh xã hội gồm việc làm, thu nhập, xóa đói giảm nghèo; dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, công nghệ; trợ giúp xã hội và bảo hiểm xã hội.
Chính sách BHXH liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Để BHXH trở thành trụ cột của chính sách an sinh, về phát triển đối tượng tham gia, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, BHXH bắt buộc năm 2020 mới đạt 93,8% kế hoạch và người tham gia mới chỉ chiếm trên 31% lực lượng lao động. Năm 2021, trước tác động của đại dịch thì tỷ lệ này càng khó đạt được chỉ tiêu, thậm chí có chiều hướng giảm xuống.
Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, dù năm 2020 đã tăng gấp đôi nhưng mới chỉ đạt 2,31% lực lượng lao động, như vậy còn rất nhiều tiềm năng phát triển chưa khai thác hết. Ngoài ra, còn một số chỉ số đáng quan ngại như mức đóng giảm sẽ kéo theo mức hưởng trong tương lai sẽ thấp; mức bình quân thu nhập để đóng cũng giảm.
Qua tìm hiểu thực tế ở địa phương, người dân, đặc biệt là phụ nữ có nhiều lý do để chưa tham gia BHXH tự nguyện như: Chế độ hưởng mới chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, họ không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp như BHXH bắt buộc. Trong đó, với lao động nữ trẻ đang ở độ tuổi sinh nở lại rất cần những chế độ, chính sách nói trên.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông còn mang tính truyền thống; cần đổi mới mạnh mẽ và thay đổi cách tiếp cận trong việc tuyên truyền, vận động người dân.
Thực hiện được mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH và tiến tới BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28, trong đó nêu rõ BHXH đa tầng gồm: tầng hưu trí xã hội; hưu trí bảo hiểm (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện); hưu trí bổ sung. Để BHXH trở thành bệ đỡ cho người dân trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quản lý Quỹ BHXH; đổi mới chế độ hưởng, làm sao có những gói hưởng phù hợp với từng nhóm đối tượng trong thực tế cuộc sống.
Vấn đề rút BHXH một lần có tỷ lệ cao, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi kết hôn, sinh con, nuôi con nhỏ có xu hướng rút BHXH một lần. Qua tìm hiểu nguyên nhân thực tế của tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, khi phụ nữ kết hôn, họ dành ưu tiên cho gia đình và con cái. Họ rất cần một khoản tiền để chi trả ngay trong lúc cần thiết. Do vậy họ nghĩ đến việc rút BHXH một lần mà không nghĩ hậu quả sâu xa sẽ không có lương hưu khi về già, không đảm bảo an sinh xã hội.
Để phụ nữ và nhân dân yên tâm không rút BHXH một lần, theo đại biểu này, cần có những hình thức linh hoạt, có khoản hỗ trợ trong lúc người dân cần kíp thay vì rút BHXH một lần. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu những bài học thành công từ phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong đó Nhà nước hỗ trợ cao và mức phát triển nhanh và rộng, tiến tới bao phủ toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng kiến nghị, cần nghiên cứu để chế độ BHXH tự nguyện được toàn diện và phù hợp, biện pháp thực hiện linh hoạt để BHXH mở rộng được đối tượng và hiệu quả.
Phát biểu tại tổ phân tích tình trạng rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: Hiện Luật BHXH quy định, người lao động có 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút BHXH một lần lại rất dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Điều này giúp người lao động dễ dàng lựa chọn theo đuổi hơn để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.
Việc rút BHXH một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng khi hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được hưởng phần của người lao động đóng là chính. Trong khi BHXH có cả phần người lao động đóng và phần của người sử dụng lao động đóng. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH một lần - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi. Chúng ta đã có Nghị quyết 28/NQ-TW từ năm 2018 về cải cách BHXH với nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật BHXH hiện hành nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật, do đó phải khẩn trương hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn