Tại sao lễ Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25/12?

15:09 | 23/12/2016;
Hàng năm, cứ đến ngày 25/12, khắp nơi trên thế giới tưng bừng chào đón lễ Giáng sinh. Tuy vậy, ít ai biết được ngày lễ có từ khi nào.

Lễ Giáng sinh (còn được gọi là lễ Noel hay lễ Thiên Chúa giáng sinh, X-mas, Christmas) là một ngày lễ quốc tế để kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời của những người theo Cơ Đốc giáo. Họ tin rằng Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của đế quốc La Mã (ngày nay là một thành phố của Palestine), khoảng giữa năm 7 đến năm 2 trước Công nguyên.

Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được tổ chức từ tối 24/12 bởi theo lịch của người Do Thái, thời điểm bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn.

Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là ‘lễ chính ngày’, còn lễ tối 24/12 gọi là ‘lễ vọng’ thường thu hút nhiều người tham dự hơn.

6.jpg
 Tương truyền, Chúa Jesus sinh vào một đêm tối và được đặt trong máng cỏ của chuồng ngựa ở Bethlehem.

Cho tới nay, chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn Chúa Jesus có phải sinh ra vào ngày 25/12 hay không mà tất cả những gì biết được chỉ là Chúa Jesus do Đức mẹ đồng trinh Maria sinh vào một đêm tối tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ của chuồng ngựa.

Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người cùng Ngài đi khắp nơi ở La Mã để giảng đạo, khuyên mọi người tin vào Thượng đế và chữa bệnh bằng phép màu. Với việc đi rao giảng lời của Thượng đế - vốn bất đồng với Do Thái giáo - nên tuy Ngài đã có rất nhiều tín đồ nhưng đồng thời cũng có nhiều kẻ thù.

Cuối cùng, Chúa Jesus bị môn đệ tên là Judas Iscariot phản bội, bị người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ là Pontius Pilate kết án và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên cây thập giá. Những tín đồ của Chúa Jesus tin rằng Ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn.

Để tưởng nhớ ngày Chúa Jesus ra đời, đến đầu thế kỷ IV, các tín đồ Cơ đốc giáo muốn tổ chức ăn mừng nhưng lại sợ bị chính quyền La Mã phát hiện và bắt bớ bởi lúc này, Cơ đốc giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp. Vì vậy, họ đã bí mật chọn ngày 25/12, trùng với ngày lễ ‘thần Mặt trời’ (Feast of The Sol invictus) của người La Mã để tổ chức.

Trong một thời gian dài, chính quyền La Mã không thể phát hiện được điều này nên những người theo đạo Cơ đốc hân hoan mừng vui chào đón sự kiện Chúa Jesus đến trần gian vào ngày đại lễ của quốc gia La Mã lúc bấy giờ.

4.jpg
 Trước đây, lễ Giáng sinh được những người Cơ đốc giáo tổ chức trùng vào ngày lễ thần Mặt trời của người La Mã. Ngày nay, Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ quốc tế, là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau.

Sau đó, vào vào năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc giáo. Ông ta cho hủy bỏ lễ thờ thần Mặt trời. Ngày 25/12 từ đó mới được trở thành ngày lễ mừng sinh nhật của Chúa Jesus.

Tuy nhiên, cũng phải đến năm 354, Giáo hoàng Libero mới công bố ngày 25/12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Chúa Jesus.

Khi Cơ đốc giáo phổ biến vào khoảng cuối thế kỷ IV, lễ Giáng sinh bắt đầu được tổ chức thường xuyên và đều đặn.

Như vậy ngày 25/12 là một ngày quy ước để kỷ niệm một sự kiện - ngày Chúa Jesus giáng thế làm người hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhân loại.

8.jpg
Giáng sinh còn là dịp để các em nhỏ gửi gắm những điều ước và mong muốn chúng sẽ trở thành sự thật. 

Ngoài ý nghĩa này, Giáng sinh là một ngày lễ gia đình để tụ tập quây quần bên nhau cùng thưởng thức một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe kể lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây thông Noel…

Giáng sinh còn trở thành một ngày lễ của trẻ em, khi mà đến ngày này, bọn trẻ đều mong muốn những ước nguyện của mình được trở thành sự thật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn