Đã thành tục lệ quen thuộc, cứ 10/3 âm lịch hàng năm, hàng triệu con dân Việt Nam lại hành hương về mảnh đất Phú Thọ, về với đền Hùng. Tất cả đều náo nức dự lễ hội truyền thống trọng đại của dân tộc: "Giỗ Tổ Hùng Vương".
Tuy nhiên, cả nước có tới hơn 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương, vậy tại sao lại tổ chức ở Phú Thọ? Muốn biết câu trả lời, ta cần ngược về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ xưa kia.
Theo truyền thuyết, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai ở động Lăng Sương (nay thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ) lấy Lạc Long Quân và sinh sống ra 100 người con. Sau đó, Lạc Long Quân mang 50 người con xuống biển, còn Âu Cơ mang 50 người lên non, trở về quê hương.
Âu Cơ sau đó cùng 50 người con suy phục lẫn nhau, tôn người con cả làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.
Động Lăng Xương ngày nay thuộc huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Còn Phong Châu thì chưa rõ địa điểm chính xác, nhưng nhiều nhà sử học cho rằng nằm giữa khoảng từ thành phố Việt Trì đến khu vực Đền Hùng, Phú Thọ.
Hay nói cách khác, mảnh đất Phú Thọ chính là nơi hởi thủy của quốc gia, nơi gây dựng nền móng tổ quốc, và là quê hương của Tổ mẫu giống nòi.
Cũng vì thế mà các thời đại sau cho xây dựng ở đây một khu di tích để tưởng nhớ nguồn gốc tổ tiên, trong đó đền Hùng ngày nay được đặt nền móng xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), đền Hùng được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.